Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 13:41, 11/03/2019

(HNMO) - Sáng 11-3, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 32.


Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật, gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thư viện và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018; xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Nhấn mạnh phiên họp lần này diễn ra trong 3 ngày với nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan bố trí sắp xếp công việc, dự họp đầy đủ để thảo luận được đi vào trọng tâm vào các vấn đề cần được giải quyết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, so với dự kiến chương trình đã thông báo đến các cơ quan hữu quan thì chương trình Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 5 nội dung bị rút ra khỏi chương trình do các cơ quan không bảo đảm tiến độ chuẩn bị hoặc cần nghiên cứu hoàn thiện thêm. Bên cạnh đó, còn một số cơ quan trình gửi hồ sơ quá muộn nên nhiều Ủy ban của Quốc hội phải tiến hành họp thẩm tra gần ngày họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn đến tài liệu gửi đến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị chậm so với quy định.

Để bảo đảm chất lượng thẩm tra và hiệu quả phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc các quy định về hồ sơ tài liệu. Trong đó, cần khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình tại phiên họp tháng 4, sớm hoàn thiện tài liệu để kịp tiến hành thẩm tra, gửi tài liệu đến các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5-4-2019. Các nội dung rút khỏi phiên họp tháng 3 nếu bảo đảm đủ điều kiện theo quy định sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 4. Dự án luật nào không trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 sẽ được báo cáo Quốc hội cho rút ra khỏi chương kỳ họp thứ bảy (do không kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước ngày 1-5-2019 theo đúng quy định).

*Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của  Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 gồm 3 điều, quy định về các nội dung sửa đổi, bổ sung, các khoản quy định nội dung sửa đổi, bổ sung được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với trật tự các điều, khoản, điểm của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, về thời điểm có hiệu lực của văn bản và về trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung mà Kiểm toán nhà nước trình lần này chưa có sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Bên cạnh đó, kỹ thuật, lập luận và phân tích trong hồ sơ dự án luật chưa thật thuyết phục, nhiều nội dung đưa ra còn chung chung nên cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật, đưa ra các lập luận có tính thuyết phục cao hơn. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu để chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực kiểm toán cũng như việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là rất cần thiết.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Kiểm toán nhà nước cần nghiên cứu, rà soát lại các nội dung đề xuất sửa đổi bám sát Nghị quyết 18-NQ/TƯ và thực tiễn 3 năm thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, việc sửa đổi tránh tối đa sự trùng lắp, bảo đảm không phá vỡ sự thống nhất của hệ thống pháp luật và nghiên cứu thật kỹ để chỉ sửa đổi, bổ sung vào những nội dung thực sự cần thiết.

*Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Hiền Thu