Để có nền tảng thể trạng tốt

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 12/03/2019

(HNM) - Trẻ em được nuôi dưỡng tốt sẽ có khả năng phát triển, khả năng chống chịu khi đối diện với bệnh tật; đặc biệt là có thể học tập tốt hơn, tham gia và đóng góp cho cộng đồng, xã hội khi trưởng thành thuận lợi hơn.


Nỗ lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ tại Việt Nam nhằm bảo đảm mọi trẻ em có sự khởi đầu tốt nhất là mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn là một lo ngại. Theo đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam là một trong số 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất.

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi được giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì, góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Tháng 6-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025, trong đó cũng xác định mục tiêu giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 2 tuổi với các chỉ tiêu: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 5%...

Thực tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy dinh dưỡng, thấp còi là khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu về vitamin và khoáng chất cần thiết trong 5 năm đầu đời. Trong đó, phổ biến nhất là do cha mẹ chưa được trang bị đủ kiến thức nuôi con. Do đó, để đạt được những mục tiêu chống suy dinh dưỡng cho trẻ, từ đó phát triển thể chất người Việt, trước hết mỗi bậc cha mẹ cần trang bị đủ kiến thức, nhận thức, thay đổi hành vi không đúng trong chăm sóc trẻ. Đặc biệt, mỗi người dân cần có nhận thức đúng đắn về chế độ dinh dưỡng trong “1.000 ngày vàng” (từ khi mang thai tới 2 tuổi) - khoảng thời gian thể chất và trí não của trẻ phát triển mạnh mẽ nhất để có chế độ dinh dưỡng phù hợp, tạo nền tảng thể trạng tốt cho sự phát triển sau này. Muốn làm được điều đó, công tác tuyên truyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thông qua những hình thức, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, trực quan sinh động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Với các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng, cần lấy gia đình là đối tượng thực hiện công tác chǎm sóc dinh dưỡng cho trẻ em. Xác định nhu cầu về dinh dưỡng cho các độ tuổi của trẻ trong hộ gia đình; bảo đảm ổn định lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân; quan tâm đến tình trạng vi chất dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em… Các cơ quan quản lý, các đối tác phát triển tăng cường công tác lập kế hoạch, phân bổ ngân sách, phân tích dữ liệu và quản lý các chương trình dinh dưỡng ở cấp quốc gia và cộng đồng.

Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh, với nhiệm vụ cụ thể như: Tiêm chủng cho trẻ em; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho học sinh, giáo dục thay đổi hành vi cho học sinh về dinh dưỡng hợp lý; cung cấp các dụng cụ, công cụ đơn giản cho các trạm y tế xã và các trường học kết hợp với hướng dẫn, hỗ trợ trẻ em, học sinh thường xuyên tự đánh giá phát hiện ban đầu tình trạng giảm thể lực... Với hàng loạt giải pháp đó, chúng ta kỳ vọng rằng, mỗi công dân sẽ có nền tảng thể trạng tốt ngay từ khi còn nhỏ làm đà phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực, tích cực đóng góp xây dựng xã hội văn minh. 

Tuấn Kiệt