Lan tỏa hoạt động bảo vệ môi trường
Công nghệ - Ngày đăng : 07:52, 13/03/2019
Giáo dân xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên) tham gia dọn vệ sinh bảo vệ môi trường. |
Nhiều việc làm ý nghĩa
Tại Hội thánh Môn đồ Hà Nội thuộc Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, mục sư và các tín đồ đã triển khai thành công mô hình cộng đồng không khói thuốc, không chất cồn, tích cực tham gia vệ sinh môi trường. Mục sư Đỗ Mạnh Cường, Quản nhiệm Hội thánh Môn đồ Hà Nội chia sẻ: "Mỗi tháng, vào tuần thứ 2 và thứ 4, hội thường tổ chức cho thành viên, các tín đồ quét dọn đường làng ngõ xóm, nhặt rác nơi công cộng. Hội còn vận động cộng đồng dân cư xung quanh hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường. Hiện nay, 98% tín đồ hội thánh không còn hút thuốc lá".
Nhà sư trụ trì chùa Diệu Nam (phố Đại La, quận Hai Bà Trưng) Phạm Thị Là cho biết: “Hưởng ứng chương trình do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng Sở Tài nguyên và Môi trường phát động về việc phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhà chùa chúng tôi đã vận động nhân dân, phật tử hạn chế đốt vàng mã, tích cực trồng cây xanh, không nên dùng túi ni lông. Gương mẫu làm trước nên việc tuyên truyền của chúng tôi được nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình”.
Tại chùa Đào Xuyên (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) việc cải tạo môi trường sinh thái, vệ sinh chùa xanh - sạch - đẹp, vệ sinh đường làng ngõ xóm khu vực xung quanh chùa, trồng và chăm sóc cây xanh đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhà chùa và các phật tử. Mô hình này đã trở thành điểm sáng của huyện. Bà Đỗ Thị Lưu (ở thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn) cho biết: “Hằng ngày, cứ rỗi việc là tôi lại giúp nhà chùa giữ gìn vệ sinh môi trường”. Theo Thượng tọa Thích Thanh Quy, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Gia Lâm, thực hiện chủ trương của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Gia Lâm đã phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện xây dựng thành công 12 mô hình tang văn minh, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Qua đó, phật tử và nhân dân đã nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Cần sự đồng hành sâu sát
Thành phố Hà Nội có 8 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân với hơn 900.000 tín đồ, thực hiện hành đạo trong gần 6.000 cơ sở thờ tự. Từ năm 2016, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, vận động, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tổ chức tôn giáo đã có nhiều hoạt động hưởng ứng với phương châm “mỗi chức sắc, nhà tu hành tôn giáo là một sứ giả về bảo vệ môi trường, đồng bào có đạo, nhân dân là những người hưởng ứng tích cực”. Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo còn hướng dẫn, triển khai thực hiện các mô hình cụ thể; vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp nguồn lực vật chất và tinh thần của các tổ chức, tín đồ trong thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Qua hơn 3 năm thực hiện, 80% các chức sắc, nhà tu hành đã nắm được và triển khai nghiêm túc chương trình phối hợp trong các tổ chức tôn giáo. Các tín đồ, tín hữu, phật tử tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu rất đông đảo, tích cực, đạt hiệu quả cao.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái khẳng định: Đến nay, 100% các tổ chức tôn giáo đã tham gia ký kết chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, thị xã cùng cam kết đồng hành xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể để vận động các tín đồ tôn giáo và người dân trên địa bàn Thủ đô tham gia bảo vệ môi trường. Từ 38 mô hình điểm về tham gia bảo vệ môi trường năm 2016, đến nay, toàn thành phố có 230 mô hình điểm cấp thành phố, cấp huyện về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các mô hình đã góp phần làm lan tỏa trong cộng đồng ý thức và hành động thiết thực, cụ thể nhằm xây dựng các khu dân cư, cơ sở thờ tự sáng - xanh - sạch - đẹp - thân thiện môi trường. Song hành cùng các tổ chức tôn giáo, 584 xã, phường, thị trấn; 5.100 ban công tác mặt trận ở khu dân cư cũng thực hiện ký cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện khu dân cư thân thiện với môi trường.
Việc các tổ chức tôn giáo, đồng bào có đạo cùng nhân dân tham gia bảo vệ môi trường không chỉ góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Thời gian tới, rất cần sự quan tâm, động viên khen thưởng kịp thời hơn của các cấp, các ngành và địa phương để khuyến khích phong trào phát triển hơn nữa.