Báo cáo của AirVisual và Greenpeace về ô nhiễm không khí tại Hà Nội thiếu khách quan
Công nghệ - Ngày đăng : 19:13, 13/03/2019
Cụ thể, để đánh giá chính xác về mức độ ô nhiễm không khí tại TP Hà Nội và đưa ra đánh giá Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 tại Đông Nam Á đòi hỏi phải có đầy đủ số liệu về quan trắc không khí tại nhiều khu vực khác nhau cũng như số liệu về khí tượng.
Hiện nay, TP Hà Nội mới lắp đặt thí điểm 10 trạm quan trắc (gồm 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến), do đó, để đánh giá toàn bộ chất lượng không khí trên toàn thành phố là rất khó, chỉ khi có hệ thống đầy đủ và đồng bộ mới có thể đánh giá chính xác.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nếu đánh giá chỉ dựa trên số liệu tức thời (tại một số thời điểm có giá trị tăng cao bất thường) tại 1 trạm quan trắc không khí tự động thì không thể được xem là trị số đại diện của ngày hôm đó để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở TP Hà Nội.
Để đánh giá mức độ ô nhiễm của một địa phương vào một ngày cụ thể nào đó, thì phải lấy trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục của ngày đó làm đại diện. Đánh giá mức độ ô nhiễm năm thì phải căn cứ vào trị số trung bình đo của cả năm liên tục (365 ngày nhân với 24 giờ đo) làm trị số đại diện.
Do đó, để đánh giá chính xác, khách quan cần dựa vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu là hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc, vị trí lắp đặt, công nghệ quan trắc, độ chính xác của các thiết bị… Ngoài ra, phương pháp tính toán chỉ số chất lượng không khí và các thang đo của các nước khác nhau, vì vậy, việc so sánh mức độ ô nhiễm là rất khó.