Cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông: Cần cân nhắc kỹ
Giáo dục - Ngày đăng : 07:12, 13/03/2019
Việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh cần được cân nhắc kỹ lưỡng. |
Đây là nội dung mới tại dự thảo Luật Giáo dục, đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc có hay không cần thiết phải cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh là điều cần cân nhắc kỹ, bởi quy định này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi học tập của học sinh.
Những ý kiến trái chiều
Theo dự thảo Luật Giáo dục đang được lấy ý kiến người dân, Điều 32 về việc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học phổ thông (THPT) và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, THPT, quy định: Trường hợp học sinh THPT đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc thi không đạt, học sinh được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nếu có nhu cầu. Quy định này nhằm khắc phục bất cập của Luật Giáo dục hiện hành, bởi không có quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình cho đối tượng học sinh này.
Đồng tình với chủ trương mới, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) cho rằng: Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Việc học sinh học xong được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình là điều tất yếu. Việc này có thể còn góp phần giảm áp lực cho các nhà trường về việc phải có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao, giúp học sinh bớt căng thẳng khi tham dự kỳ thi. Thực tế cũng cho thấy, có những công việc không yêu cầu học sinh phải có bằng tốt nghiệp THPT. Khi đó, giấy chứng nhận cho học sinh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là có giá trị, không bắt buộc học sinh phải tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy): Theo quy định, học sinh học hết chương trình lớp 12 thì sẽ được ghi vào học bạ là hoàn thành chương trình. Khi trong học bạ đã có xác nhận như vậy thì không nhất thiết phải cấp giấy chứng nhận cho học sinh nữa, nếu không sẽ thừa và chồng chéo. Còn ông Hoàng Văn Nam, phụ huynh học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) cho rằng, hiện nay để có thể tiếp tục đi học hoặc đi làm, các em đều phải có bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông không có nhiều ý nghĩa.
Cấp giấy chứng nhận cho ai, để làm gì?
Để làm rõ hơn khái niệm về đối tượng học sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi học xong chương trình THPT, để xác nhận xem học sinh có đủ điều kiện tham dự kỳ thi THPT quốc gia hay không, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra điều kiện dự thi. Chỉ những học sinh đủ điều kiện mới được tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Đơn cử, theo quy định hiện hành, với học sinh học hết chương trình THPT trong năm tổ chức thi, ngoài quy định chung còn phải bảo đảm điều kiện: Hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém.
Như vậy, việc học sinh học xong chương trình THPT với học sinh đủ điều kiện dự thi THPT là khác nhau. Theo dự thảo Luật Giáo dục, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông chỉ cấp cho những học sinh đủ điều kiện nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không tốt nghiệp THPT.
Để làm rõ mục đích, sự cần thiết của việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục cần làm rõ phạm vi giá trị của giấy chứng nhận này ra sao, có điểm gì khác so với bằng tốt nghiệp THPT. Đây cũng là căn cứ để người học xác định mức độ cần đạt của bản thân trong quá trình học tập, tránh bị áp lực và lãng phí thời gian, kinh phí.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh đủ điều kiện nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đủ điều kiện tốt nghiệp là xu thế chung của nhiều nước có nền giáo dục phát triển... Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định quyền lợi của mỗi đối tượng học sinh ở từng cấp độ như thế nào, ý nghĩa và mục đích của việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT ra sao.
Còn bà Lê Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh sẽ góp phần đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau khi hoàn thành chương trình THPT, tạo cơ hội cho các em theo học nghề khi không đủ điều kiện hoặc không có nguyện vọng học đại học.
Học sinh cũng sẽ bớt gánh nặng học văn hóa, dành thời gian tập trung cho việc học nghề hoặc sẽ có cơ hội học liên thông để nâng cao trình độ. Đề xuất này không phải là không có cơ sở. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng. Dự kiến, đối tượng tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng sẽ không chỉ là những học sinh đã tốt nghiệp THPT như hiện nay, mà còn dành cho cả học sinh có bằng trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT.
Việc có hay không cần thiết phải cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh đủ điều kiện nhưng không dự thi tốt nghiệp THPT hoặc dự thi không đạt là vấn đề cần phải xem xét kỹ ở mọi khía cạnh, đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu và bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, ngành học.