VNPT cam kết đồng hành xây dựng chính phủ số
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:31, 13/03/2019
Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử do Văn phòng Chính phủ tổ chức đã chính thức khai trương hoạt động từ chiều ngày 12-3.
Đây được coi là bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, là tiền đề hình thành một Chính phủ không giấy tờ, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội. Trục liên thông văn bản quốc gia do Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đầu tư xây dựng với công nghệ tiên tiến, được Văn phòng Chính phủ lựa chọn thuê lại.
Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. |
VNPT bảo đảm kết nối liên thông
Thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, VNPT được Văn phòng Chính phủ tin tưởng, giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia để thực hiện việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau.
Trong phần phát biểu tại lễ khai trương chiều 12-3, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết, ngay khi nhận được yêu cầu, VNPT đã nhanh chóng tổ chức đội ngũ với hơn 100 kỹ sư công nghệ thông tin để nghiên cứu, tham khảo, học hỏi từ đối tác nước ngoài để phát triển hệ thống, đồng thời tổ chức đội ngũ công nghệ thông tin tại các tỉnh, thành phố để hỗ trợ trực tiếp cho 95 đơn vị là các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phối hợp thử nghiệm kết nối liên thông. Ngay từ giai đoạn đầu thực hiện, VNPT đã thiết lập và duy trì nhiều cấp hỗ trợ tại từng bộ, ngành, địa phương để bảo đảm giải quyết các vướng mắc một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Chủ tịch Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. |
“Chúng tôi xin cảm ơn Văn phòng Chính phủ đã tạo điều kiện cho VNPT tham gia các đoàn học tập kinh nghiệm, nghiên cứu, tham khảo mô hình kiến trúc, nền tảng công nghệ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Estonia, Hàn Quốc, Pháp, Malaysia, Nga…; đồng thời cảm ơn các doanh nghiệp phần mềm cung cấp giải pháp cho hơn 95 bộ, ngành, địa phương đã hợp tác cùng VNPT tích hợp hơn 20 loại phần mềm điều hành văn bản khác nhau thành một hệ thống thống nhất, hình thành hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia” - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT nhấn mạnh.
Còn theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, trong quá trình triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống là một yếu tố đặc biệt quan trọng, được yêu cầu thực hiện một cách nghiêm ngặt. Do đó, Tập đoàn VNPT đã hết sức chú trọng công tác bảo mật, trong cả triển khai hạ tầng mạng lưới, lựa chọn công nghệ sử dụng lẫn trong quá trình xây dựng phần mềm.
Hiện hệ thống hạ tầng của VNPT với các trung tâm dữ liệu đều đang đạt chuẩn bảo mật quốc tế Tier-3; nền tảng công nghệ X-ROAD sử dụng các máy chủ bảo mật với Chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát để thiết lập kênh trao đổi bảo mật giữa các điểm kết nối của các bộ, ngành, địa phương. Trong quá trình phát triển phần mềm, VNPT áp dụng mô hình và tiêu chuẩn quốc tế CMMI và ISO 27001. Cả hai mô hình và tiêu chuẩn này đều đưa ra các yêu cầu về bảo mật rất cao trong thiết kế, xây dựng, phát triển phần mềm và quản lý rủi ro cho sản phẩm dịch vụ.
Đặc biệt, với kinh nghiệm triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: Chính phủ điện tử, y tế, giáo dục… và với quyết tâm rất cao, trong 5 tháng, kể từ tháng 10-2018, cùng với Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn VNPT đã tiến hành nhiều đợt triển khai thử nghiệm, từ liên thông 5 đơn vị đến 18 đơn vị. Từ ngày 19-1-2019, hệ thống đã được đưa vào thử nghiệm cho 95 đơn vị. Sau hơn một tháng hoạt động, đã có hơn 10.000 văn bản được liên thông giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương và giữa các bộ, ngành, địa phương. Sau khi đã được Bộ Công an và Cục An toàn thông tin đánh giá về việc bảo đảm an ninh và an toàn thông tin, hệ thống đã sẵn sàng để đi vào hoạt động chính thức.
Trục liên thông văn bản quốc gia đi vào hoạt động sẽ đảm bảo kết nối liên thông gửi, nhận văn bản, tối ưu hoá luồng công việc từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương. Đây là cơ hội, tiền đề cho việc bảo đảm xây dựng thành công chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số trong thời gian tới.
“Tập đoàn VNPT cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để xây dựng hoàn thiện các giải pháp góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tập đoàn VNPT sẽ chung tay, hợp tác cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và quốc tế để nghiên cứu, đưa các ứng dụng tiên tiến nhất vào triển khai xây dựng hoàn thiện chính phủ điện tử tại Việt Nam an toàn, hiệu quả, cùng nhau đưa Việt Nam trở thành nước phát triển hùng cường dựa trên việc ứng dụng các công nghệ hiện đại” - Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam
Năm 2018, Tập đoàn VNPT đã chuyển mình mạnh mẽ khi tận dụng lợi thế về hạ tầng, hệ sinh thái khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông để phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực như chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, đô thị thông minh, du lịch thông minh. VNPT đã xây dựng và làm chủ nhiều sản phẩm, dịch vụ cốt lõi ở nhóm khách hàng chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, duy trì thị phần dịch vụ trên toàn quốc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chính phủ điện tử.
Đến tháng 12-2018, bộ sản phẩm chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 51 tỉnh, thành phố. VNPT đã phát triển thành công giải pháp Trục liên thông văn bản quốc gia, sử dụng công nghệ X-Road. Phần mềm VNPT-iOffice tăng thêm 74% số cơ quan cấp tỉnh, 67% cơ quan cấp huyện và 20% cơ quan cấp xã sử dụng; phần mềm i-Gate tăng 68% cơ quan cấp tỉnh, 43% cơ quan cấp huyện, 87% cơ quan cấp xã sử dụng. Giải pháp phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS hiện có 7.300 cơ sở y tế sử dụng, chiếm 53% thị phần. Giải pháp đang ngày càng được tích hợp, tối ưu hóa, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh viện cũng như đáp ứng việc phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn, tạo thành một hệ sinh thái y tế điện tử tin cậy, hiện đại. Ở lĩnh vực giáo dục thông minh, giải pháp VnEdu đã có 12.000 trường học sử dụng, cung cấp 3,3 triệu sổ liên lạc điện tử với gần 6 triệu hồ sơ học sinh cùng hơn 650.000 giáo viên sử dụng trên khắp 63 tỉnh, thành phố của cả nước. 20 tỉnh, thành phố đã tham gia khảo sát, xây dựng đề án đô thị thông minh. Giải pháp du lịch thông minh đã triển khai tại gần 30 tỉnh, thành phố.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long, tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế số, dịch vụ số là quá lớn và không bị hạn chế, đủ cho mọi người tham gia. “Tôi thấy cơ hội với các doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin bây giờ là vô cùng lớn. Chưa bao giờ lớn như bây giờ. Sự phát triển về công nghệ cho phép chúng ta làm điều đó. Cơ hội này đủ lớn cho tất cả các doanh nghiệp” - Tổng Giám đốc VNPT nhận định.
Trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, VNPT đã sớm bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng này. VNPT đã tập trung vào xây dựng nhiều bài toán về công nghệ 4.0, cụ thể như: Bài toán AI về thị giác (Vision), công nghệ nhận dạng quang (AI/OCR), xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP, dữ liệu lớn BigData... VNPT đã tự thiết lập, hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các Lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây.
Hiện, VNPT đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam cũng như đưa các công nghệ đó vào các giải pháp sẵn có của mình để đáp ứng một cách thông minh nhất nhu cầu của khách hàng. Một số ứng dụng tiêu biểu như: Ứng dụng nhận dạng hướng dẫn viên du lịch giả; ứng dụng đo đếm phương tiện giao thông; ứng dụng nhận dạng chứng minh thư nhân dân và ảnh chân dung phục vụ việc cập nhật thông tin khách hàng theo Nghị định 49; ứng dụng số hoá tài liệu, văn bản trong các cơ quan, tổ chức...
VNPT cũng đang ứng dụng các công nghệ trong hệ sinh thái số thông minh của VNPT để thực hiện đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong nội bộ Tập đoàn và áp dụng các công nghệ này vào các sản phẩm hệ sinh thái công nghệ thông tin mà VNPT đang cung cấp cho khách hàng như y tế, giáo dục, chính quyền điện tử... làm cho các sản phẩm công nghệ thông tin của VNPT trở nên thông minh hơn và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Đối với hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, VNPT đang đẩy mạnh cập nhật công nghệ, nâng cao năng lực mạng lưới và tiến tới ảo hóa hạ tầng. Trong đó, việc ảo hóa hạ tầng, cả hạ tầng kết nối và hạ tầng IDC chính là cơ sở để VNPT không chỉ tối ưu hóa doanh thu - chi phí mà còn tạo ra sự linh hoạt trong mô hình kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Đây cũng là nền tảng để bảo đảm chất lượng dịch vụ cho hơn 31 triệu thuê bao di động; gần 3 triệu thuê bao cố định, hơn 5 triệu thuê bao internet băng rộng và các dịch vụ IT cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.
Năm 2019, VNPT sẽ tập trung đẩy nhanh việc nghiên cứu, triển khai các công nghệ 4.0 cốt lõi của VNPT. Theo đó, VNPT sẽ cung cấp ra thị trường dịch vụ nền tảng tương tác số dựa trên công nghệ thực tại ảo, thực tại tăng cường (AVR), nhằm đưa công nghệ AVR trở nên phổ thông và bình dân ở thị trường Việt Nam, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. VNPT cũng sẽ tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái số thông minh (Innovative Digital Ecosystem) dựa trên các công nghệ cốt lõi như AI, BigData, Blockchain, Cloud, Cyber Security... mà VNPT đã và đang phát triển. "Trái tim" của hệ sinh thái này là cơ sở dữ liệu lớn mà VNPT đang nắm giữ. Đây là một nền tảng mở để VNPT cung cấp cho các doanh nghiệp bên thứ ba có thể sử dụng các công nghệ 4.0 của VNPT thông qua API/SDK để cung cấp cho khách hàng.
Bên cạnh đó, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm như hệ sinh thái IoT; hoàn thiện bộ giải pháp chính phủ điện tử; mở rộng triển khai các giải pháp nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh và du lịch thông minh… để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng chuyển đổi số hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam vào năm 2025, đồng thời là trung tâm giao dịch số của châu Á vào năm 2030.