Những sai lầm khi điều trị bệnh sởi
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:00, 14/03/2019
Khả năng lây nhiễm rất mạnh
Sởi là một bệnh do vi rút thuộc họ paramyxovirus gây ra. Loại vi rút này thường tồn tại ở hầu họng và máu của người bệnh từ cuối thời kỳ ủ bệnh đến sau khi phát ban. Do đó, dịch sởi dễ lây nhiễm từ người này sang người khác. Khi vi rút sởi đã xâm nhập vào cơ thể con người, chúng sẽ nhanh chóng sinh sôi tại vòm họng và trong phổi trước khi lan ra toàn bộ cơ thể. Con đường lây nhiễm của bệnh sởi chủ yếu qua đường hô hấp, lây truyền trực tiếp khi nói chuyện với người bệnh, hít phải dịch tiết nước bọt, mũi... Thậm chí bệnh sởi có thể lây nhiễm khi dùng tay tiếp xúc với bề mặt có nguồn bệnh, sau đó vô tình đưa tay lên miệng hoặc mũi. Một người mắc sởi có thể lây truyền cho khoảng 20 người khác.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, khả năng lây nhiễm của vi rút sởi rất mạnh. Do đó, những người chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng bệnh sởi chưa đầy đủ nếu không may nhiễm phải vi rút sởi thì 90% sẽ mắc bệnh. Khi mắc bệnh sởi, bệnh nhân có các triệu chứng ban đầu như: Mắt đỏ, chảy nước mắt, sốt nhẹ, ho khan. Sau đó, bệnh nhân sốt cao và bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ. Các nốt ban mọc từ đầu, mặt, cổ rồi lan xuống ngực, lưng, cánh tay và cuối cùng là ở bụng, đùi, chân.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, nếu được điều trị đúng cách và dinh dưỡng hợp lý, bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục và không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời hoặc kiêng khem, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm loét giác mạc, tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa... Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai mắc sởi, nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi khá lớn. Nếu thai phụ mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây dị dạng thai nhi hoặc sẩy thai. Trong 3 tháng giữa nguy cơ dị dạng thai ít hơn nhưng vẫn có thể gây thai lưu, sẩy thai. Nếu mắc sởi ở thời điểm 3 tháng cuối thì không gây dị dạng thai nhưng có thể gây đẻ non, thai chết lưu, ảnh hưởng tới tính mạng cả mẹ và thai nhi.
Tránh nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cảnh báo, nhiều người dễ bị nhầm lẫn giữa bệnh sởi và sốt phát ban dẫn đến điều trị sai khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng. Với trường hợp bị sốt phát ban thông thường, triệu chứng hay gặp là người bệnh bị nổi đồng loạt khắp cơ thể những nốt nhỏ màu hồng hoặc đỏ mịn, ẩn dưới bề mặt da. Khi nốt ban “bay” hết, da bệnh nhân sẽ trở về bình thường, không để lại vết thâm hoặc sẹo. Còn với trường hợp bị bệnh sởi, nốt ban xuất hiện ở từng bộ phận, sau đó vài ngày mới lan xuống toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi “bay” sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.
Bên cạnh việc xác định chính xác để có biện pháp điều trị phù hợp, GS.TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo, bố mẹ cũng nên tránh những sai lầm hay mắc khi chăm sóc trẻ bị bệnh sởi để hạn chế làm bệnh trầm trọng thêm. Chẳng hạn, khi thấy trẻ bị sởi, người lớn thường có quan niệm phải kiêng gió, kiêng nước bằng mọi cách. Thậm chí, có phụ huynh tránh gió bằng việc trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể hằng ngày cho trẻ. Việc làm này sẽ khiến trẻ không những không hạ sốt mà còn có khả năng bị sốt cao hơn. Kèm theo đó, việc không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da và gây các biến chứng bội nhiễm vi khuẩn nếu tình trạng quá nặng. Ngoài ra, sai lầm phụ huynh thường mắc là cho trẻ bị sởi tắm nước lá mùi già hoặc hạt mùi để phòng chống sởi, trong khi chưa có tài liệu nào chứng minh nước lá mùi già có thể phòng chống sởi. Thậm chí, nhiều phụ huynh đã tự ý sử dụng kháng sinh hoặc thuốc Đông y để điều trị. Đây là một sai lầm, vì vậy phụ huynh tuyệt đối không được sử dụng thuốc Đông y trị sởi. Trường hợp dùng kháng sinh khi trẻ mắc sởi thì phải có chỉ định của bác sĩ.
Phòng bệnh là quan trọng
GS.TS Nguyễn Văn Kính lưu ý, với những trẻ mắc sởi, bố mẹ cần thường xuyên rửa mặt, lau miệng và vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ. Hằng ngày cần nhỏ nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt, mũi được bác sĩ chỉ định để vệ sinh mũi, mắt cho trẻ. Bên cạnh đó, cần cho trẻ nằm ở phòng thoáng, tránh gió lùa; đeo khẩu trang khi trò chuyện, tiếp xúc với trẻ và phải cách ly với những trẻ khác. Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước hoa quả để cung cấp năng lượng giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú sữa mẹ nhiều hơn. Trong thời gian phát bệnh cần đặc biệt chú ý, nếu thấy trẻ sốt cao liên tục trên 39oC, kèm theo khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, chán ăn, li bì, mắt lờ đờ hoặc phát ban toàn thân mà vẫn sốt cao... thì cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh sởi hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà, với trường hợp mắc nhẹ cần khuyến khích phụ huynh chăm con ở nhà. Theo tiến trình phát triển bệnh, sau 1-2 ngày trẻ sẽ ho, chảy nước mũi, xuất hiện thêm ban mọc trên mặt. Sau đó khoảng 7-10 ngày, các triệu chứng sẽ hết, trẻ tự khỏi. Tuy nhiên, với bệnh sởi, phòng bệnh là quan trọng nhất và việc tiêm chủng vô cùng cần thiết. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Riêng phụ nữ mang thai thường dễ mắc sởi cũng nên tiêm nhắc lại để tránh truyền bệnh từ mẹ sang con. Với người lớn có thể tiêm nhắc lại 5 năm/lần. |