Khó khăn trong công tác cai nghiện bắt buộc
Đời sống - Ngày đăng : 07:52, 14/03/2019
Khó khăn đầu tiên là công tác xác định người nghiện ma túy. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, việc chẩn đoán xác định người nghiện ma túy theo quy định tại Quyết định số 5075/QĐ-BYT, Quyết định số 3556/QĐ-BYT, Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo tình trạng nghiện. Trong khi thực tế người nghiện ma túy thường che giấu các triệu chứng lâm sàng nên rất khó khăn cho việc nắm tình hình.
Chưa kể, hầu hết người sử dụng ma túy tổng hợp dạng amphetamine trong vòng 3 ngày thường không có biểu hiện lâm sàng về hội chứng cai. Một số trường hợp lúc đầu xét nghiệm nước tiểu dương tính với ma túy nhưng sau 24 giờ vào trung tâm, xét nghiệm nước tiểu lại có kết quả âm tính với ma túy nên không đủ điều kiện để kết luận xác định người nghiện ma túy.
Không chỉ vậy, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” thì nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú nhưng phải là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Song, hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể xác định như thế nào là “thường xuyên sinh sống” dẫn đến các cách hiểu khác nhau hoặc nhiều trường hợp khi xác minh, địa phương trả lời chung chung, gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ.
“Thông tư số 05/2018/TT-BCA của Bộ Công an cũng hướng dẫn về nơi cư trú ổn định. Nhưng cuối cùng cũng không có giải thích cụ thể thế nào là “thường xuyên sinh sống”, ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hồ Chí Minh) cho biết.
Pháp luật hiện hành còn quy định, trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì người không có nơi cư trú ổn định được giao cho tổ chức xã hội quản lý. Tuy nhiên, tại Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đều cách xa trung tâm lưu trú tạm thời nên gặp khó khăn trong việc bố trí phương tiện và cán bộ áp giải đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định đến cơ sở lưu trú, đưa đối tượng về tòa án nhân dân cấp huyện để xem xét quyết định cai nghiện bắt buộc, đưa đi chấp hành quyết định cai nghiện.
Trước những khó khăn vướng mắc kể trên, nhiều giải pháp đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
“Người nghiện phải được điều trị sớm. Do đó, quy trình thủ tục lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc càng rõ ràng, nhanh chóng, càng tạo điều kiện để người nghiện tự giác đi cai nghiện ma túy bắt buộc”, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội Phùng Quang Thức nhấn mạnh.
Là đơn vị được giao tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Trình tự đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện. Cục sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng hướng về cơ sở".
Cụ thể, đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Đối với người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì chủ tịch UBND cấp xã phải xác minh.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công an cấp xã có trách nhiệm giúp chủ tịch UBND cùng cấp thu thập các tài liệu và lập hồ sơ đề nghị…