Cải cách hành chính bằng những việc cụ thể, thiết thực

Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 17/03/2019

(HNM) - Công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Đó là thành quả của quyết tâm thực hiện chủ đề công tác năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, tạo nền tảng để thành phố tiếp tục thực hiện tốt hơn chủ đề này trong năm 2019.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Hoa.


Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính

- Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiến nghị cắt giảm các điều kiện, thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức, ông có thể nói rõ hơn về kết quả này?

- Liên tục trong những năm qua, thành phố Hà Nội rất coi trọng nhiệm vụ cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Hằng năm, thành phố đều chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan, đơn vị rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, không phù hợp. Tiêu biểu như Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã ban hành Quyết định số 8993/QĐ-UBND ngày 29-12-2017 về việc phê duyệt kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2018 trên địa bàn thành phố. Việc thực hiện kế hoạch đã thu được kết quả rất tích cực với tổng số 437 thủ tục hành chính được đưa vào rà soát, đánh giá (thuộc các lĩnh vực: Tư pháp, xây dựng, kế hoạch và đầu tư, công thương, tài nguyên và môi trường), đã có 71 thủ tục hành chính được đơn giản hóa, đạt tỷ lệ trên 16,2%.

Năm 2018, thành phố cũng đã đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Quy hoạch - kiến trúc, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; y tế; quản lý các khu công nghiệp và chế xuất; lao động - thương binh và xã hội… Đáng chú ý là các cơ quan, đơn vị đều ý thức rõ trách nhiệm, chủ động và coi trọng công tác rà soát, kịp thời đơn giản hóa thủ tục chính theo đúng tinh thần cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Gần đây nhất, ngày 4-3-2019, Chủ tịch UBND thành phố đã phê duyệt Quyết định số 1027/QĐ-UBND về việc công bố danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện, xã trên địa bàn thành phố, gồm: 29 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo; 24 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện; 5 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Quyết định số 2173/QĐ-UBND ngày 10-4-2017 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng một số thủ tục tại Quyết định số 6139/QĐ-UBND ngày 7-11-2016 và Quyết định số 8102/QĐ-UBND ngày 22-11-2017 của UBND thành phố hết hiệu lực thi hành.

- Thủ tục hành chính được cắt giảm đã mang đến nhiều thuận lợi cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp. Vậy có thước đo nào để định lượng được kết quả này, thưa ông?


- Thành phố Hà Nội luôn chú trọng đo kết quả công tác cải cách hành chính bằng định lượng thay vì định tính. Do đó, thành phố đã triển khai nhiều hình thức để đo lường. Ngày 6-8-2018, UBND thành phố ra Quyết định số 4003/QĐ-UBND ban hành kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 để thống nhất triển khai việc khảo sát, đo lường sự hài lòng tại các cơ quan, đơn vị.

Tháng 7-2018, UBND thành phố công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố. Ngày 15-10-2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5505/QĐ-UBND về việc ban hành khung chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính áp dụng đối với UBND các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố.

Kết quả khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ tại một số cơ quan trong thực hiện các thủ tục hành chính năm 2018 cho thấy, mức độ hài lòng của người dân đạt mức khá trở lên. Cụ thể, thủ tục khám chữa bệnh đạt 72,1%; thủ tục cấp phép xây dựng đạt 82,7%; thủ tục đo lường chất lượng đạt hơn 80%. Riêng về mức độ hài lòng đối với 8 dịch vụ hành chính công thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, có 2 dịch vụ đạt 98%, 2 dịch vụ đạt 95%, 1 dịch vụ đạt 90%, 2 dịch vụ đạt 85%, 1 dịch vụ đạt 82,5%...

- Có thể thấy, kết quả công tác cải cách hành chính luôn tác động quan trọng tới các chỉ số như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… Với kết quả như vừa nêu, theo ông, các chỉ số này năm 2018 (công bố vào khoảng tháng 4-2019) sẽ có sự cải thiện mạnh so với năm 2017?

- Chỉ số PCI năm 2017 của Hà Nội xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay; chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAPI tăng 3 bậc so với năm 2016. Phát huy kết quả đó, ngay từ tháng 12-2017, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó nhấn mạnh tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; triển khai các giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần đạt kết quả thấp để nâng cao kết quả chỉ số PAPI, PCI. Trong các tháng 3, 4, 5 năm 2018, UBND thành phố tiếp tục ban hành công văn, kế hoạch chỉ đạo nhằm nâng cao chỉ số PAPI và PCI. Tiếp đó, UBND thành phố ban hành các đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh về Thủ đô đối với các chủ đầu tư trong và ngoài nước.

Điều đó cho thấy, để đạt được kết quả như hiện nay, thành phố đã có cả một quá trình triển khai bài bản, quyết tâm cao từ thành phố đến cơ sở và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Sắp tới khi các chỉ số được công bố, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nhìn vào đó để không ngừng phấn đấu, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Siết chặt kỷ cương, nâng chất lượng cán bộ, công chức


- Dù đã có kết quả đáng kể, song công tác cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, có những lỗi không đáng có như ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức còn chưa tốt; một số thủ tục hành chính còn thiếu tính liên thông và phối hợp thực hiện... Thời gian tới, thành phố sẽ có giải pháp nào để khắc phục, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, một số sở, ngành còn chậm tiến hành rà soát, trình UBND thành phố công bố thủ tục hành chính theo quy định. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả, còn tình trạng chậm muộn trong giải quyết hồ sơ liên thông. Tại một số đơn vị, việc xây dựng quy trình nội bộ còn mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, công tác tự kiểm tra, giám sát tại một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc.

Để khắc phục tình trạng này, thành phố sẽ tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính theo hướng đột xuất, không báo trước; xác định rõ địa chỉ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, lĩnh vực. Cùng đó, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tập trung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức…

- Theo kế hoạch, trong năm 2019, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thi tuyển công chức, theo ông, đây có phải là một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính?

- Cán bộ, công chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cần phải có năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm với công việc đang làm. Năm 2019, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành thi tuyển công chức, viên chức. Việc này nhằm bổ sung chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị còn thiếu, đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây cũng là một trong những nội dung công việc nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2019 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

- Đến thời điểm này, việc thi tuyển công chức, viên chức đã được chuẩn bị như thế nào? Kỳ tuyển dụng này có gì mới so với các kỳ thi tuyển trước đây, thưa ông?

- Thành phố Hà Nội xác định, công tác chuẩn bị cho kỳ tuyển dụng công chức, viên chức lần này phải hết sức kỹ lưỡng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (có hiệu lực từ ngày 15-1-2019), trong đó sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Vì vậy, việc thi tuyển lần này sẽ được thực hiện theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP. Điểm mới của nghị định là việc tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức theo 2 vòng: Vòng 1 thi trắc nghiệm về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học để bảo đảm chính xác trong việc chấm thi và thuận tiện trong việc ứng dụng thi trên máy vi tính; vòng 2 là thi chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng hình thức thi phỏng vấn, thực hành hoặc thi viết do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định.

Để thực hiện đúng quy định mới, Sở Nội vụ đang tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện công tác chuẩn bị cho kỳ tuyển dụng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và nâng cao chất lượng tuyển dụng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hiền Chi