Vụ xả súng tại New Zealand: Hiểm họa từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 17/03/2019
Cảnh sát New Zealand phong tỏa hiện trường vụ xả súng. |
Ngay sau vụ việc, cảnh sát New Zealand đã bắt giữ 3 nghi phạm nam và 1 nghi phạm nữ. Sát thủ Brenton Harrison Tarrant - một trong 4 nghi phạm, đã bị đưa ra tòa ngày 16-3 ở thành phố Christchurch, đối mặt với cáo buộc giết người. Tarrant, sinh ra tại New South Wales (Australia) nhưng thời gian gần đây chuyển tới sinh sống trên đảo Nam của New Zealand. Sát thủ này đã đi nhiều nơi trên thế giới trong vai trò một huấn luyện viên cá nhân. Tarrant bị cáo buộc đã phát trực tiếp trên Facebook khi hắn xả súng vào Nhà thờ Hồi giáo Al Noor của New Zealand ngày 15-3. Kẻ khủng bố cũng bị cáo buộc đã đăng tải một bản tuyên ngôn trực tuyến, chứa đầy tư tưởng cực đoan và sự căm thù đối với người Hồi giáo.
Hình ảnh nghi phạm ở phiên tòa cho thấy, Tarrant dường như đã làm một dấu tay biểu tượng của những người cổ súy chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Đây là một hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc dựa vào niềm tin, và quảng bá niềm tin rằng người da trắng cao cấp hơn so với những người đến từ các chủng tộc khác. Những video của tên sát thủ gây ra vụ thảm sát này cho thấy hắn đã bị nhiễm tư tưởng cực đoan cánh hữu toàn cầu từ nhiều nhóm cực đoan khác nhau ở châu Âu, Australia và Bắc Mỹ, cùng với đó là một hệ thống tư tưởng cực đoan trên mạng xã hội. Mục tiêu chính trong bản tuyên ngôn của Tarrant là ngăn chặn những người Hồi giáo, kêu gọi các nước có đông người da trắng đàn áp người nhập cư, trục xuất người da màu...
Vụ thảm sát cướp đi sinh mạng của 49 người dân vô tội tại New Zealand một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh báo về hệ tư tưởng cực đoan và bạo lực đang lan rộng trong thế kỷ XXI. Điều này càng trở nên đáng sợ khi nó xảy ra tại New Zealand - một quốc gia chưa từng chứng kiến một vụ xả súng hàng loạt nào trong hơn 20 năm qua - cũng như hiếm khi có mối liên kết nào với chủ nghĩa cực đoan.
Là một quốc đảo tại khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, New Zealand ở một vị trí tách biệt so với thế giới, cũng là một trong những vùng đất cuối cùng mà con người tới sinh sống. Kể từ đầu thế kỷ XXI, New Zealand mở rộng chính sách nhập cư, cho phép nhiều người dân ở các khu vực châu Á - Thái Bình Dương tới quốc gia này làm việc, học tập và sinh sống. Cho tới năm 2018, đã có khoảng 18.000 công dân các đảo quốc Thái Bình Dương được thuê làm việc tại quốc gia này. Theo Ủy ban Dân số New Zealand, chỉ 1% dân số nước này là người gốc bản địa, trong khi hơn 3/4 là người nhập cư hay kiều bào sinh ra ở nước ngoài. Trong một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Victoria Wellington cho thấy, người nhập cư vào New Zealand từ các quốc gia Hồi giáo sẽ ít được tạo điều kiện so với người di cư từ Anh hay các nơi khác. Đây cũng chính là nguồn cơn của bi kịch, chia rẽ và sự thù hận.
Theo ông Robert Patman, chuyên gia an ninh tại Đại học Otago, cuộc tấn công ở Christchurch là lời cảnh tỉnh đối với New Zealand. Từ bao lâu nay, quốc gia này luôn tự hào, thậm chí có thể nói là tự mãn về mối quan hệ chủng tộc cũng như chính sách nhập cư tích cực của mình mà không có sự chuẩn bị nghiêm túc để đối phó với nguy cơ khủng bố đến từ các thành phần chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Việc thành phố Christchurch đang có một cộng đồng “da trắng siêu quyền lực” chuyên nhắm đến người tị nạn và người da màu trong suốt 20 năm qua cho thấy, New Zealand không còn sống trong một môi trường lành tính, khi “vi rút” của chủ nghĩa cực đoan đang lây lan trong thời đại toàn cầu hóa.