Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt tại Nga

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 07:12, 17/03/2019

(HNM) - Với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt tại Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga vừa tổ chức Diễn đàn khoa học “Giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Liên bang Nga”.

Đây là sự kiện khởi đầu trong chuỗi hoạt động quan trọng do Đại sứ quán khởi xướng và chủ trì tổ chức trong Năm chéo Việt Nam - Liên bang Nga 2019 và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga.

Diễn đàn khoa học “Giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Liên bang Nga”.


Diễn đàn là cuộc gặp gỡ các thế hệ nhà Việt Nam học, với gần 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, các giảng viên và sinh viên Khoa tiếng Việt từ 3 trung tâm Việt Nam học lớn ở Nga là Mátxcơva, St.Petersburg và Vladivostok cùng đại diện Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển kinh tế Nga, đại diện giới báo chí Nga, các doanh nghiệp Nga và Việt Nam có nhu cầu sử dụng nhân lực, các sinh viên Nga đang theo học tiếng Việt…

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe 10 tham luận khoa học của các học giả hai nước bàn về công tác nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học thời gian qua tại Nga; vai trò của tiếng Việt và Việt Nam học trong việc tăng cường, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga; nhu cầu tuyển dụng nhân lực tiếng Việt và Việt Nam học tại Nga. Đồng thời, diễn đàn cũng trao đổi về phương hướng, triển vọng và giải pháp phù hợp từ các cấp quản lý cũng như cấp viện, các trường đại học nhằm củng cố, tăng cường công tác giảng dạy tiếng Việt trong thời gian tới.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm phát triển công tác giảng dạy nghiên cứu tiếng Việt và Việt Nam học tại Liên bang Nga trong thời gian tới, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh khẳng định, Đại sứ quán luôn quan tâm thúc đẩy và là địa chỉ tin cậy để các nhà khoa học Nga gửi gắm ý tưởng nhằm phát triển, mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có ngành Giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đại sứ cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ nhà khoa học Nga vì những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu, phổ biến, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Liên bang Nga hơn nửa thế kỷ qua, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Ở Nga, Việt Nam học là một trong những ngành đào tạo gắn liền với lịch sử mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hiện các trường đại học Nga hằng năm đào tạo khoảng 100 chuyên gia về tiếng Việt và ngành Việt Nam học. Con số này gấp 4 lần so với những năm cuối của kỷ nguyên Xô Viết. Khi đó các nhà Việt Nam học được đào tạo chủ yếu ở Mátxcơva, còn hiện tại tiếng Việt được giảng dạy cả ở St.Petersburg và Vladivostok và bắt đầu từ năm 2019 tại Kazan, thủ đô nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga.

Chỉ riêng ở Mátxcơva có 7 trường đại học giảng dạy tiếng Việt. Nhu cầu học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam xuất phát từ tình hình thực tế, sự phát triển quan hệ Việt - Nga, điều kiện học tập và triển vọng nghề nghiệp. Do mối quan hệ chính trị và kinh tế tốt đẹp giữa hai nước, sinh viên học tiếng Việt có nhiều cơ hội tìm việc làm, đặc biệt tại các doanh nghiệp hợp tác với Việt Nam.

Kim Phượng