Xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai

Bất động sản - Ngày đăng : 07:19, 18/03/2019

(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Thủ đô, những năm qua, thành phố Hà Nội đã cho phép triển khai nhiều công trình, dự án. Các dự án đã và đang đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.


Dự án xây dựng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành tại khu Đồng Sọt, phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây) là một trong những dự án được người dân mong sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu cho học sinh trên địa bàn.

Theo UBND thị xã Sơn Tây, dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 1-2008, nhà đầu tư là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành - Sơn Tây. Thời gian triển khai dự án từ quý I-2009 đến quý III-2011, nhưng sau 10 năm, dự án vẫn im lìm.

Dự án Hà Đô Dragon City của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, trên địa bàn xã An Thượng và Song Phương (huyện Hoài Đức), sau hơn 10 năm triển khai vẫn là bãi đất trống.Ảnh: Phương Uyên


Hay như trên địa bàn huyện Ba Vì, theo thống kê của UBND huyện, có tới 4 dự án, diện tích sử dụng từ 1,44ha đến 15,83ha, chủ đầu tư đã được giao đất để xây dựng dự án trên địa bàn các xã: Cam Thượng, Cẩm Lĩnh, Thụy An, Tản Lĩnh, nhưng đã qua 11 năm nay mà vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Chỉ ở thôn Nam An, xã Cam Thượng cho biết, thôn có hơn 6ha đất nông nghiệp đã giải phóng mặt bằng, nhưng nhiều năm qua các dự án không triển khai, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, thấy lãng phí nên ông lại quay ra trồng cây trên diện tích gần 3ha...

Tương tự, sau khi cơ quan chức năng huyện Thanh Trì kiểm tra, rà soát đã thống kê được toàn huyện có 30 dự án chậm triển khai, trong đó có 11 dự án đã qua thời gian từ 2 đến 8 năm, nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng. Hay dự án Cụm trường trung học dạy nghề thành phố, nằm trên địa bàn các phường Tây Mỗ và Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) triển khai từ năm 2011, nhưng hiện còn 53 hộ chưa được trả tiền bồi thường, dự án cũng chưa thực hiện.

Qua rà soát, toàn thành phố hiện có 383 dự án chậm triển khai, chưa giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sử dụng sai mục đích. Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã rà soát, thống kê được 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai…

Xử lý quyết liệt, đồng bộ


Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều dự án chậm triển khai. Trong đó, việc tiếp thu Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành của các đơn vị còn hạn chế, bất cập hay do ý thức chủ quan của chủ đầu tư.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Đình Lan cho biết, dù UBND huyện nhiều lần đề nghị các chủ đầu tư chuẩn bị kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai các bước theo quy định, nhưng các chủ đầu tư không bố trí kinh phí, cũng không liên hệ với huyện để thực hiện dự án.

Ngoài ra, có những dự án trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng còn vướng mắc do công tác lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại cấp huyện chưa kịp thời; hay năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế, đầu tư mang tính cầm chừng…, dẫn tới tiến độ thực hiện dự án bị chậm.

Dẫn chứng điều này, ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Quản lý đô thị - thị xã Sơn Tây cho biết, sau 10 năm, đến tháng 6-2018, thị xã mới nhận được công văn của chủ đầu tư Dự án xây dựng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành xin dừng thực hiện với lý do “hiện nay nhà trường không có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án xây dựng trường tại địa điểm trên”....

Để xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó đề xuất thành phố hướng xử lý. Theo thống kê, năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai 47 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai.

Trên cơ sở đó, Sở trình UBND thành phố ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, 7 quyết định thu hồi hơn 276,4ha đất... Đầu năm 2019, Sở phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai 14 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hoặc tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai; hậu kiểm việc thực hiện các kết luận và chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, Sở sẽ tiếp tục tham mưu với thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, để các dự án được triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Trường hợp cần thiết sẽ thanh tra, kiểm tra để xử lý đúng quy trình; với trường hợp đã đôn đốc, chỉ đạo xử lý, khắc phục nhưng chủ đầu tư không thực hiện, thì kiên quyết lập hồ sơ thu hồi đất. Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm, thì đề xuất chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, UBND cấp quận, huyện, thị xã cũng cần tăng cường giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện của chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn quản lý; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý đất đai, xây dựng, môi trường của chủ đầu tư theo thẩm quyền.

Ánh Dương