Tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lề đường: Xử lý triệt để, bảo đảm an toàn giao thông

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:59, 19/03/2019

(HNM) - Gần đây, trên nhiều tuyến đường, phố Hà Nội xuất hiện tình trạng người dân tái lấn chiếm vỉa hè, lề đường để dựng biển quảng cáo, bày bán hàng khiến dư luận bức xúc.

Biển quảng cáo dựng kín vỉa hè đường Ngọc Hồi (giáp Bến xe Nước Ngầm). Ảnh: Đỗ Hà


Thực tế tại các tuyến đường như: 32, 21A, 1A cũ, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Ngọc Hồi, Giải Phóng… phóng viên nhận thấy tình trạng chiếm dụng vỉa hè để dựng biển quảng cáo, bán hàng diễn ra nhan nhản. Biển quảng cáo có chân, thậm chí có cả bánh xe với kích thước lớn được người dân đặt chềnh ềnh trên vỉa hè nhìn mất mỹ quan nhưng không bị xử lý. Tuyến quốc lộ 32, đoạn qua xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) và các xã Đông Quang, Chu Minh, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì); quốc lộ 21A qua các xã Thạch Hòa, Bình Yên (huyện Thạch Thất); Sơn Đông, Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), hay tuyến đường từ thị xã Sơn Tây lên Tản Lĩnh (huyện Ba Vì)… tình trạng người dân dựng biển quảng cáo sai quy định diễn ra tràn lan. Nhiều tấm biển quảng cáo bán sữa bò, sữa dê Ba Vì có diện tích 4-5m2 được các hộ dân lắp đặt lấn hết vỉa hè, hành lang giao thông để thu hút khách đi đường. Không ít biển quảng cáo bún, phở, sửa chữa xe, bán điện thoại… cũng được bày không theo một quy tắc nào; cái to cái nhỏ, thò ra thụt vào, khiến cho bộ mặt đô thị các tuyến đường quốc lộ trở nên nhếch nhác.

Tình trạng dựng biển quảng cáo, bán hàng trên vỉa hè còn diễn ra nhiều trên dọc vỉa hè, hành lang quốc lộ 21B đoạn qua xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa). Tại đường Ngọc Hồi (giáp Bến xe Nước Ngầm), đường Nguyễn Trãi, đoạn gần chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), vỉa hè cũng thường xuyên bị các tổ chức, cá nhân hai bên đường lấn chiếm, biến thành... "của riêng".

Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm kể trên, trước hết là ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng của người dân hạn chế. Thứ hai, do chính quyền một số địa phương chưa kiên quyết xử lý vi phạm, còn nể nang; có nơi còn buông lỏng quản lý dẫn đến việc xử lý theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa". Ông Nguyễn Đình Thái, ở thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) cho biết: "Vỉa hè quốc lộ 21B, đoạn qua thị trấn Vân Đình chỉ thông thoáng khi lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, sau đó đâu lại vào đấy". Còn bà Nguyễn Thị Vân Hà, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) cho hay: "UBND xã Chu Minh đã nhiều lần yêu cầu các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng xem ra việc này chỉ làm lấy lệ vì vi phạm vẫn tái diễn, chính quyền không xử lý dứt điểm".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Chu Minh cho rằng: Trước thực trạng vi phạm trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông diễn ra dọc quốc lộ 32 đoạn qua địa bàn xã, 2 năm qua chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Ba Vì hằng tuần ra quân xử lý vi phạm, nhưng vi phạm tái diễn khi lực lượng chức năng rút đi. Cái khó nhất ở đây là ý thức người dân còn hạn chế; hơn nữa, giá trị của biển quảng cáo thấp nên sau khi bị tịch thu, nhiều hộ dân sẵn sàng mua biển quảng cáo mới về dựng tiếp.

Tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Cường phân trần: Quốc lộ 21A qua địa bàn xã dài 3,5km nên có nhiều hộ kinh doanh hai bên đường, trong khi địa bàn xã rộng, khi thấy lực lượng chức năng ra quân xử lý, nhiều hộ đẩy biển quảng cáo, dọn hàng vào nhà nên việc xử lý chưa triệt để.

Trước thực trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông tái diễn như kể trên, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, ra quân giải tỏa và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị trên từng địa bàn dân cư.

Hoàng Minh