Xây dựng điểm đến du lịch tại cơ sở: Phát huy vai trò cầu nối
Du lịch - Ngày đăng : 07:03, 19/03/2019
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) trở thành không gian công cộng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và thưởng thức văn hóa, ẩm thực của du khách. |
Mở ra nhiều hướng
Nhân lực quản lý mỏng, thiếu kinh nghiệm khiến nhiều quận, huyện, thị xã bối rối khi tìm hướng phát triển du lịch. Vì vậy, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ giúp các quận, huyện, thị xã nhanh chóng nắm bắt thông tin, tìm được hướng đi cho mình và có cách làm cụ thể, phù hợp.
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ vẫn nhớ lần làm việc giữa Sở Du lịch Hà Nội với UBND quận Tây Hồ cách đây 3 năm. Cuộc họp đó đã mở ra nhiều đầu việc cụ thể để phát triển du lịch quận, trong đó có kêu gọi đầu tư xây dựng và thực hiện một số điểm dịch vụ du lịch khu vực hồ Tây, như: “Điểm thưởng thức trà sen Quảng An”, “Thung lũng hoa”; “Bãi đá sông Hồng”, “Không gian biểu diễn, ẩm thực quận Tây Hồ” tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn…
Nhờ sự hỗ trợ đó, hiện một số điểm dịch vụ du lịch trên đã trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân Hà Nội và du khách. Cụ thể, “Thung lũng hoa” thường đón trung bình trên 300 lượt khách/ngày đến tham quan, chụp ảnh; "Không gian biểu diễn, ẩm thực quận Tây Hồ" đón hàng nghìn người vào dịp cuối tuần... Ông Nguyễn Đình Khuyến nhìn nhận: “Sự hỗ trợ, đồng hành từ phía thành phố đã giúp quận xác định rõ hướng đi trong việc phát triển du lịch, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mình. Chính vì vậy, trong triển khai hoạt động năm, quận luôn chú trọng phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội để kết nối, giới thiệu, quảng bá, hợp tác, khai thác, phát triển thị trường du lịch”.
Tây Hồ chỉ là một trong những trường hợp điển hình về sự phối hợp, hỗ trợ phát triển du lịch giữa đơn vị quản lý du lịch cấp thành phố với các quận, huyện, thị xã. Trong năm qua, thực hiện Kế hoạch tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, Sở Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát với sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông… tại Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Thạch Thất, Ba Vì, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai… Tại Sóc Sơn, như chia sẻ của Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Đoàn Văn Sinh, đó là lần đầu tiên huyện đón đoàn khảo sát du lịch đông như vậy. “Từ cuộc khảo sát này cũng như cuộc tọa đàm do Sở Du lịch đồng chủ trì, huyện đã nhìn nhận rõ hơn về định hướng khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn, đặc biệt là phát triển du lịch tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc điểm tham quan và trải nghiệm dành cho đối tượng học sinh, sinh viên...”, ông Đoàn Văn Sinh nói.
Tuy nhiên, để đánh giá hết hiệu quả của sự phối hợp còn phụ thuộc vào thời gian, cách làm cũng như sự kết nối với doanh nghiệp của từng địa phương. Rõ nhất là việc tổ chức xây dựng các trang web chuyên về du lịch của địa phương theo gợi ý của nhiều doanh nghiệp lữ hành từ các cuộc khảo sát. Đó là cách quảng bá hiệu quả, nhưng do thiếu nhân lực điều hành nên không phải mọi địa phương được tư vấn đều bắt tay thực hiện ngay.
Kết nối để phát huy thế mạnh
Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. |
Trong cuộc làm việc gần đây với Sở Du lịch Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh đến vai trò của Sở trong việc cùng địa phương xác định được cách thức phát triển cũng như xây dựng sản phẩm du lịch của mình. Các địa phương đều có tiềm năng về du lịch, song vấn đề là phải nhìn nhận ra được tiềm năng đó để khai thác sao cho hiệu quả. Điều này càng cho thấy vai trò quan trọng của đơn vị quản lý nhà nước cấp thành phố trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch tại các quận, huyện, thị xã nói riêng cũng như tại Thủ đô nói chung.
Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, hàng loạt giải pháp phối hợp, hỗ trợ xây dựng điểm đến du lịch tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã được thực hiện trong thời gian qua, như phối hợp tham mưu, đề xuất, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND xin chủ trương đầu tư xây dựng và thực hiện các dự án, chương trình phát triển du lịch ở địa phương; kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch; rà soát, thống kê các sản phẩm làng nghề tiêu biểu, điểm di tích lịch sử, văn hóa để lập kế hoạch tập trung đầu tư phát triển 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; xây dựng video clip, giao diện ảnh 360 độ, chuẩn hóa các bài thuyết minh về địa danh, làng nghề, sản phẩm làng nghề của địa phương để giới thiệu, quảng bá cho các doanh nghiệp du lịch và du khách; tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch... Ngoài ra, Sở còn lựa chọn hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tại Cổ Đô (Ba Vì), Vân Từ (Phú Xuyên), Vạn Phúc (Hà Đông), Bát Tràng (Gia Lâm), làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây)…
Từ hiệu quả của cách làm này, trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Sở Du lịch sẽ tiếp tục khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch nhằm kết nối và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện, thị xã để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng, thị trường khách du lịch. Rõ ràng, sự chung tay của các đơn vị quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp đang mang đến nhiều cơ hội cho các quận, huyện, thị xã. Vấn đề là mức độ nắm bắt, tận dụng của các địa phương để nâng vị thế của ngành Du lịch trong tổng thể cơ cấu kinh tế - xã hội chung.