Quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh

Xã hội - Ngày đăng : 15:14, 19/03/2019

(HNMO) - Chiều 19-3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.

Nguy cơ lây lan diện rộng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, tính đến ngày 18-3, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 30 hộ chăn nuôi ở 20 thôn thuộc 14 xã, phường của 6 quận, huyện: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai, buộc phải tiêu hủy 765 con lợn.

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa lấy từ nhà hàng, quán ăn và bố trí chuồng trại gần khu sơ chế thực phẩm của gia đình...

Hội nghị trực tuyến của UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và phòng, chống dịch sốt xuất huyết.


Ông Nguyễn Huy Đăng nhận định, thời gian tới, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng là rất cao: Vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường, dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao, đan xen trong khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. 

Vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan từ nơi có bệnh dịch sang nơi khác... Thời tiết biến đổi bất lợi, mưa ẩm kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan; trong khi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được bệnh Dịch tả lợn châu Phi…

Bất cập trong hoạt động phòng, chống bệnh dịch hiện nay tại các địa phương cũng đang tạo ra nguy cơ lây lan. Lực lượng tham gia hoạt động xử lý tiêu hủy lợn (kể cả cán bộ thú y) chưa được trang bị đầy đủ bảo hộ và chưa thực hiện đầy đủ quy trình khử trùng phương tiện, dụng cụ khi ra, vào nơi có bệnh dịch. Một số chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại vùng có bệnh dịch chưa thực hiện kiểm soát chặt chẽ được người, phương tiện vận chuyển.

Nhiều địa phương chưa quản lý được hoạt động của những thương lái đi thu gom lợn, trong đó có lợn ốm, chết và đặc biệt là các hộ giết mổ nhỏ lẻ chưa có hệ thống xử lý nước, chất thải khi thải ra môi trường. Tại một số xã còn tình trạng ứ đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường, tạo ra nguy cơ lây lan bệnh dịch…

Quyết liệt khống chế, ngăn chặn

Để khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, các quận, huyện, thị xã đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của thành phố và tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan thú y; bố trí kinh phí phục vụ phòng, chống bệnh dịch, mua hóa chất, vôi bột, máy phun động cơ, đẩy mạnh tuyên truyền...

Huyện Ba Vì hỗ trợ các xã, thị trấn trên địa bàn 6.500 lít hóa chất, 31 máy phun động cơ... Huyện Đông Anh bố trí khoảng 3-4 tỷ đồng chi phục vụ phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi… Huyện Thanh Oai hỗ trợ các xã, thị trấn 1.750 lít hóa chất, 50 tấn vôi bột, in đĩa tuyên truyền cho các địa phương...

Các vùng xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi đều được bố trí kịp thời người, phương tiện tham gia phòng, chống; các chốt kiểm dịch tạm thời được lập và trang bị phương tiện phục vụ hoạt động đầy đủ...

Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất 12 giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có tăng cường quản lý thức ăn chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi; thực hiện đợt tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn toàn thành phố; tiếp tục thực hiện việc ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống bệnh dịch; duy trì nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành và tạm thời để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn...

Khống chế bệnh dịch trong thời gian sớm nhất

Nhận định thời tiết tiếp tục tạo thuận lợi cho bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan, ngoài thực hiện các giải pháp của Sở NN&PTNT Hà Nội, phải kiểm soát chặt chẽ khu vực xảy ra bệnh dịch; tiếp tục tuyên truyền quyết liệt hơn để người dân hiểu bệnh Dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người, người tiêu dùng không tẩy chay sản phẩm từ lợn, các hộ chăn nuôi không bán tháo lợn; chủ động bố trí trang thiết bị, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch; hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy và hỗ trợ kinh phí cho những người tham gia công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành, hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi bằng biện pháp an toàn sinh học. Khi nhận được tin báo, các địa phương phải tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm; nếu dương tính thì tiêu hủy đúng quy trình; thành lập các chốt chặn trong vòng 30 ngày. Đối với các địa bàn chưa xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi, phải phổ biến các biện pháp chăm sóc, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thức ăn tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể chưa qua xử lý nhiệt cho đàn lợn.

Nhấn mạnh nếu không kiểm soát kịp thời, bệnh Dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế, tâm lý đời sống xã hội, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ những nguy cơ. Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là tập trung tuyên truyền để các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ biết, chủ động phòng, chống trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học; phổ biến rộng rãi các biểu hiện về bệnh dịch để người dân biết. 

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giao Sở NN&PTNT tổ chức mua và chuyển giao thiết bị cho các địa phương thực hiện công tác tiêu huỷ lợn và tiền xét nghiệm lợn có dấu hiệu bị bệnh. Các quận, huyện, thị xã chủ động trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy; hỗ trợ chế độ cho cán bộ làm công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và trang bị bảo hộ cho cán bộ làm công tác tiêu huỷ lợn theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng giao Sở NN&PTNT và Sở Tài chính cập nhật giá thịt lợn hằng ngày trên thị trường để thông báo cho người dân và các quận, huyện, thị xã biết, làm căn cứ hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh. Toàn bộ kinh phí thực hiện công tác phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, các quận, huyện, thị xã chủ động trích từ kinh phí dự phòng thiên tai, dịch bệnh. Nếu thiếu thì trình Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định, bảo đảm đủ kinh phí và khống chế bệnh dịch trong thời gian sớm nhất.

Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng


Về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện ở 27 quận, huyện, thị xã và 29 quận, huyện, thị xã có dịch bệnh sởi. Năm nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đến sớm hơn so với quy luật. Thêm vào đó, chúng ta đã có bài học sâu sắc của vụ dịch sốt xuất huyết năm 2017 xuất phát từ chính sự chủ quan. Chính vì vậy, để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tăng cường tiến hành vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng, không để ao tù, nước đọng... Ngoài ra, Sở Y tế, các Trung tâm Y tế quận, huyện cần tổ chức phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. 

Với dịch bệnh sởi, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết cách phòng ngừa, cách ly và thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Mọi kinh phí dành cho xét nghiệm, dự phòng, vệ sinh dịch tễ, phun thuốc phòng dịch..., các quận, huyện phải bảo đảm chi đúng, chi đủ, chi kịp thời.

Về sự việc hàng nghìn trẻ ở Bắc Ninh đổ về Hà Nội xét nghiệm sán lợn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức họp giao ban với các trường mầm non trên địa bàn. Các đơn vị cung cấp thực phẩm, nước uống... cho các nhà trường phải công bố công khai nguồn gốc, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm. Các trường cần thành lập ban thanh tra kiểm tra chất lượng nguồn thực phẩm đưa vào bếp ăn trường học có sự tham gia của phụ huynh học sinh. 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua, dịch bệnh sởi đang có xu hướng tăng nhanh tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận 1.277 trường hợp mắc sởi, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 1-1 đến ngày 17-3, toàn thành phố ghi nhận 494 trường hợp mắc sởi, bệnh nhân mắc rải rác tại 215 xã, phường, thị trấn, không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong. Cùng với dịch bệnh sởi, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng những tuần gần đây. Hiện cả nước đã ghi nhận 41.591 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 17-3, thành phố ghi nhận 144 trường hợp mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân rải rác tại 95 xã, phường, thị trấn, không có ổ dịch lớn và chưa có ca tử vong. 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện trên địa bàn (kể cả bệnh viện tuyến trung ương) giám sát các ca bệnh truyền nhiễm (tần suất tối thiểu 2-3 lần/tuần). Khi phát hiện có người mắc bệnh, các đơn vị tổ chức ngay việc khoanh vùng, điều tra xử lý tại cộng đồng theo đúng quy định. Vì vậy, hầu hết các ca bệnh đều được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không xuất hiện ổ dịch lớn. 

Tuy nhiên, thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho dịch bệnh sởi và sốt xuất huyết lây lan. Vì vậy, các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh. Ngoài ra, tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, duy trì tiêm chủng hằng tuần để tăng cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế thấp nhất việc trẻ tiêm muộn hoặc hoãn tiêm.

Kim Nhuệ - Gia Phong