Quản lý chặt bếp ăn trường học
Giáo dục - Ngày đăng : 06:17, 20/03/2019
Việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học luôn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của thành phố Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Tập trung giám sát nguồn gốc thực phẩm
Liên quan đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học, ngày 19-3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải họp giao ban với các trường mầm non trong và ngoài công lập trên địa bàn. Các đơn vị cung cấp thực phẩm, nước uống... cho các trường phải công bố công khai nguồn gốc. Các trường thành lập ban thanh tra chất lượng nguồn thực phẩm đưa vào bếp ăn trường học, với sự tham gia của phụ huynh. |
Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2 triệu học sinh, trong đó số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú là hơn 1.600/khoảng 2.700 trường. Vì vậy theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được lực lượng chức năng của thành phố quan tâm hàng đầu. Ngay khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nước ta, nhất là mới đây thông tin hàng nghìn trẻ ở tỉnh Bắc Ninh đổ về Hà Nội xét nghiệm ấu trùng sán lợn càng cho thấy, khâu kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm đưa vào các bếp ăn tập thể càng phải được chú trọng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung thông tin thêm, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối thực phẩm và việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, chế biến tại các bếp ăn tập thể, nhất là đối với trường học. Đến nay, thông tin từ các đoàn kiểm tra, thanh tra của thành phố, các quận, huyện, thị xã và các phòng giáo dục - đào tạo cho biết, chưa phát hiện việc cung ứng thực phẩm kém chất lượng vào các bếp ăn khu công nghiệp hay trường học.
Trước tình trạng nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng khi cho con ăn bán trú tại trường, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ngành Giáo dục cũng thường xuyên giám sát, yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ xuất xứ thực phẩm, bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, có thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, nhà trường phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, ký hợp đồng với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có giấy phép, có chứng nhận đủ điều kiện về an toàn.
Bảo đảm bữa ăn đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trường Mầm non xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt |
Không “tẩy chay” thịt lợn để bữa ăn cho trẻ bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, nhiều trường học đã chủ động giám sát nguồn thực phẩm đưa vào trường và khâu chế biến tại bếp ăn.
Đơn cử như Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ) hiện có tỷ lệ học sinh ăn bán trú hằng ngày chiếm 70% trong tổng số gần 1.100 em. Hiệu trưởng Phạm Thị Minh Tuyết cho biết, hằng ngày nhà trường có bộ phận giám sát, gồm: Đại diện Ban Giám hiệu, công đoàn, thanh tra nhân dân, nhân viên y tế, giáo viên trực tuần và đại diện Ban Phụ huynh. Việc giám sát được thực hiện theo quy trình kiểm thực ba bước: Bước 1, giao nhận thực phẩm tươi sống (vào khoảng 6h sáng) bằng cách cân, kiểm tra chất lượng, nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng thực phẩm. Bước 2, giám sát toàn bộ khâu chế biến và việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của nhân viên nhà bếp. Bước 3, kiểm tra định lượng, chất lượng thực phẩm chín, đối chiếu với thực đơn, dụng cụ đựng, vận chuyển thức ăn đến các lớp. Ngoài việc tuân thủ nghiêm túc quy định về lưu mẫu thức ăn, nhà trường còn lưu toàn bộ nhãn mác của các sản phẩm dùng trong một tuần, đề phòng trường hợp có bất thường và cũng là cách để tăng cường trách nhiệm của phía đơn vị cung ứng đối với chất lượng thực phẩm.
Còn tại Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Cầu Giấy), ngoài việc tuân thủ quy trình kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn, cô giáo Doãn Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho hơn 1.000 trẻ, nhà trường cùng đại diện phụ huynh thường xuyên kiểm tra đột xuất tại cơ sở cung ứng thực phẩm.
Ngày 19-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học và an toàn thực phẩm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị địa phương chỉ đạo các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong nhà trường; tuân thủ quy trình giao - nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn; tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh; quan tâm hướng dẫn học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Các đơn vị chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. |
Tăng cường vai trò của nhà trường và phụ huynh
Về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị, mỗi nhà trường cần thành lập Ban Giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, có sự tham gia của phụ huynh học sinh, để giám sát thực phẩm hằng ngày.
"Không đơn vị nào giám sát an toàn thực phẩm tại trường học tốt hơn là chính nhà trường và phụ huynh. Do đó, về phía phụ huynh cũng cần chủ động yêu cầu tham gia hoạt động này để kịp thời phát hiện những nghi ngờ liên quan đến thực phẩm trong trường học" - ông Trần Văn Chung nói.
Còn theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể là công việc thường xuyên, trong đó cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm và công khai danh tính đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với việc tăng cường công tác quản lý, theo ông Trần Ngọc Tụ, vi rút gây bệnh nói chung, hay ấu trùng sán lợn nói riêng đều bị tiêu diệt khi thực phẩm được đun sôi ở 100 độ C. Do đó, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu đúng về các bệnh liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, từ đó tuân thủ “ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn” và thực hiện phương thức sản xuất an toàn, hiện đại. Ngay tại mỗi nhà trường cũng cần tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cung cấp cho học sinh những kiến thức về an toàn thực phẩm để các em biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và mọi người xung quanh.
Không cần đi xét nghiệm ấu trùng sán lợn nếu không có biểu hiện bất thường (HNM) - Chiều 19-3, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức họp báo thông tin vụ hàng trăm trẻ có kết quả dương tính với ấu trùng sán lợn (sán dây) gây hoang mang dư luận những ngày qua. Chủ trì buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, kết quả dương tính với sán lợn của hàng loạt trẻ cũng chưa có cơ sở để khẳng định liên quan đến việc người dân nghi ngờ cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn cho Trường Mầm non Thanh Khương. Nguồn lây nhiễm giun, sán có thể từ thực phẩm trực tiếp trong bữa ăn như: Thịt, cá chưa nấu chín; rau sống không rửa sạch; nguồn nước ô nhiễm hoặc sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ… Do đó, cần phải minh bạch, phân biệt rõ thông tin, nguy cơ lây nhiễm sán không chỉ có ở thực phẩm tại trường học. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, kể cả kết quả dương tính trong huyết thanh cũng không thể khẳng định có ký sinh trùng trong cơ thể người. Xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần trong chẩn đoán. Do đó, trẻ không cần đi xét nghiệm nếu không có biểu hiện bất thường. Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành năm 2014, ngay cả khi có kết quả dương tính, cũng chưa có chỉ định điều trị. Việc điều trị chỉ sau khi sán trưởng thành, người bệnh có biểu hiện đi ngoài, có nốt sán; đối với các ấu trùng có nổi mụn hạch và các biểu hiện khác… Thay vì việc yêu cầu trẻ quay trở lại khám sau 1-2 tuần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương nên cử cán bộ trực tiếp về địa phương để kiểm tra, theo dõi. Với những trẻ có biểu hiện bất thường thì cần điều trị kịp thời. * Cùng ngày, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương đề nghị phân tích kết quả xét nghiệm về độ nhạy, độ đặc hiệu của các xét nghiệm sán lợn và việc điều trị của người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc âm tính như thế nào. Trang Thu |