Hà Nội: Năng lực phòng cháy, chữa cháy từng bước được nâng lên

Chính trị - Ngày đăng : 14:34, 20/03/2019

(HNMO) - Chiều 20-3, tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn giám sát của Quốc hội


Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự cuộc làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu...


Quang cảnh buổi làm việc.


Cưỡng chế đối với các chủ đầu tư có công trình vi phạm

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về công tác phòng cháy, chữa cháy; trong đó có nhiều văn bản có tính chiến lược cơ bản, lâu dài. Công tác chỉ đạo của thành phố đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu đơn vị, cơ sở về tầm quan trọng của nhiệm vụ này... Năng lực phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố từng bước được nâng lên. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy thành phố được củng cố, kiện toàn về biên chế, tổ chức và hoạt động. Phương tiện cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ngày càng được hiện đại hóa, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội còn một số hạn chế, tồn tại. Trong đó, công tác tuyên truyền dù được quan tâm nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa sâu rộng. Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy ở một số nơi còn mang tính hình thức. Trang bị cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở còn thiếu. Công tác tự kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy ở một số cơ quan, đơn vị còn bị xem nhẹ. Nhiệm vụ phát triển hạ tầng phục vụ chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu...

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, thời gian tới, UBND thành phố sẽ nghiên cứu, báo cáo HĐND thành phố ban hành nghị quyết về quản lý, sử dụng và các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà chung cư, nhà cao tầng. Thành phố tiếp tục xây dựng đề án kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng để phát huy phương châm "4 tại chỗ"; xây dựng quy trình, phương án tổ chức cưỡng chế thực hiện đối với các chủ đầu tư có công trình còn nhiều tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thay mặt lãnh đạo thành phố cảm ơn những ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát. 

Làm rõ thêm một số câu hỏi của đoàn, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, UBND thành phố đã quan tâm chỉ đạo thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, các chỉ thị, kế hoạch, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, HĐND thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy; chủ động đầu tư cơ sở vật chất, bố trí trụ sở cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc.


Các dự án mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thành phố quan tâm phân bổ ngân sách. Việc lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho các chung cư do thành phố quản lý dự kiến hết năm 2019 sẽ hoàn thành. 

Thành phố cũng quan tâm đến chính sách hỗ trợ lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, công an cơ sở nếu để xảy ra vi phạm về cháy, nổ...

Để công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Chủ tịch UBND thành phố đã nêu một số kiến nghị. Về chính sách chung, thành phố kiến nghị các cơ quan trung ương về việc xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở ngày càng chính quy hơn hoặc có thể sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo cơ chế đặc thù cho công tác này tại Hà Nội.

Thành phố kiến nghị, các cơ quan trung ương phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho mọi đối tượng; xây dựng chính sách quản lý thống nhất công tác phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng; đồng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Hà Nội cũng mong muốn các cơ quan trung ương ủng hộ việc lắp đặt cảm biến phòng cháy, an toàn thang máy tại các tòa nhà cao tầng...

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy. Lực lượng chuyên trách đã làm tốt công tác tham mưu các giải pháp, hạn chế nhiều tổn thất do cháy, nổ.

Phó Chủ tich Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại buổi làm việc.


Tuy nhiên, Trưởng đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao như Hà Nội. Đồng thời đề nghị, thành phố cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47/CT-TƯ ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân. 

Hà Nội cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng thực chất, trọng điểm, sâu rộng đến từng người dân; trong đó chú trọng tuyên truyền công tác phòng ngừa và triển khai các biện pháp phòng ngừa. Tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng cơ sở đáp ứng yêu cầu đề ra; tổ chức tốt công tác ứng trực, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, hiệp đồng tốt giữa các lực lượng; phát huy nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng cháy, chữa cháy...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc.


Tiếp thu ý kiến kết luận của Trưởng đoàn giám sát, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, đây là cơ hội để thành phố nhìn nhận lại công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian qua, phát hiện những tồn tại, nội dung cần khắc phục. Thành phố ghi nhận, tiếp thu những đóng góp của Đoàn giám sát về các vấn đề quản lý đô thị, trong đó đặc biệt là lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

Đồng tình với nhận định của đoàn về nguy cơ cháy, nổ còn cao trong điều kiện đô thị hóa nhanh chóng, Bí thư Thành ủy khẳng định, sau buổi làm việc, thành phố sẽ hoàn chỉnh báo cáo, bổ sung những nội dung Đoàn giám sát yêu cầu; đồng thời tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.

Thành Tâm - Ảnh: Viết Thành