Vai trò quan trọng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 21/03/2019
Theo đó, mục tiêu đặt ra là đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; bảo đảm cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu...; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.
Việc tái cơ cấu được đặt ra khi thị trường chứng khoán đã trở thành một bộ phận quan trọng của thị trường vốn và nền kinh tế. Các chức năng cơ bản của thị trường như: Huy động vốn trung và dài hạn từ xã hội, từ nguồn vốn rẻ của quốc tế cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, Chính phủ để phát triển sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện tách bạch giữa sở hữu - quản lý... đang phát huy hiệu quả.
Bằng chứng là năm 2018, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán lên tới 72% GDP; tổng giá trị huy động vốn qua thị trường đạt hơn 278 nghìn tỷ đồng...
Dòng vốn nước ngoài trên thị trường chứng khoán duy trì ở mức cao, 2,75 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nhìn trong tổng thể nền kinh tế, nhất là trước yêu cầu ổn định vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng cao và bền vững, thì thị trường chứng khoán cũng phải có bước phát triển tương xứng, hài hòa về cấu trúc, vận hành theo thông lệ quốc tế, bảo đảm an toàn, lành mạnh tài chính trước những biến động của thị trường tài chính quốc tế.
Dẫn chứng cụ thể về vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế, có thể thấy thị trường chứng khoán không chỉ là kênh đầu tư bổ sung vốn mà còn là kênh phân bổ lại nguồn lực tài chính (giữa các doanh nghiệp; huy động đầu tư xã hội thay thế cho đầu tư công) tạo sự năng động cho nền kinh tế, phản ứng kịp thời trước sự biến động của dòng vốn trong quá trình tái cơ cấu đầu tư.
So sánh với hệ thống ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn khá cao một mặt cho thấy nhu cầu vốn của doanh nghiệp còn lớn, mặt khác cho thấy một lượng vốn ngắn hạn không nhỏ đang được đẩy sang dài hạn. Và sự phát triển của thị trường chứng khoán sẽ giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.
Đối với nội tại thị trường chứng khoán, đó còn là câu chuyện minh bạch và niềm tin. Doanh nghiệp sử dụng vốn phải thật sự minh bạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, rằng thị trường chứng khoán là kênh giữ tiền an toàn và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp... Vì thế, tái cơ cấu thị trường, cải cách quy định pháp lý không chỉ giải quyết câu chuyện minh bạch và niềm tin, mà còn hướng tới mục tiêu cao hơn là mở ra dư địa phát triển cho thị trường.
Theo Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025; tương ứng, quy mô thị trường trái phiếu đạt 47% và 55%...
Nhiều công việc cụ thể như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, nhà đầu tư; nâng cao năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi... đã được chỉ rõ.
Tại nhiều hội nghị bàn về phát triển thị trường chứng khoán, lãnh đạo Chính phủ luôn cam kết việc củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu trước các biến động trong và ngoài nước; duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng, để hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển. Ngược lại, để thực hiện mục tiêu đó, thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư, doanh nghiệp có vai trò không kém phần quan trọng.