Ngành Nước Hà Nội: Đổi mới công nghệ là nhu cầu thiết yếu
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:19, 21/03/2019
Ngành Nước Hà Nội luôn đổi mới về công nghệ để bắt kịp tốc độ đô thị hóa. Ảnh: Thái Hiền |
Còn nhiều hạn chế
Đánh giá về thực trạng ngành Nước Việt Nam, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, hiện ngành Nước vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế, bất cập. Đó là phạm vi phục vụ cấp nước, nhất là khu vực nông thôn còn thấp; tỷ lệ thất thoát, thất thu còn cao (>20%). Chất lượng nước, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế. Hệ thống thoát nước thải đô thị thiếu đồng bộ; tỷ lệ xử lý nước thải thấp. Ô nhiễm nguồn nước, úng ngập tại một số thành phố lớn gây ảnh hưởng đến đời sống, chất lượng sống của người dân.
Tại Hà Nội, Sở Xây dựng cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội tăng dần hằng năm. Thời gian qua, bên cạnh việc phát triển các dự án cấp nước, thành phố Hà Nội cũng đặt ra yêu cầu các công ty cấp nước điều chỉnh, bổ sung công nghệ các nhà máy hiện có; xây dựng kế hoạch thay thế đường ống xuống cấp, bảo đảm yêu cầu chất lượng nước theo tiêu chuẩn uống tại vòi... Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, thu hút đầu tư.
Trong khi đó, về lĩnh vực thoát nước, đến nay mới có lưu vực sông Tô Lịch (bao gồm toàn bộ khu vực trung tâm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân) được cải tạo đồng bộ. Các khu vực còn lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Do đó, vào mùa mưa thường xảy ra úng ngập khi mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây dâng cao, hệ thống thoát nước không tự chảy được. Việc thu gom xử lý nước thải cũng gặp khó khăn. Hiện tổng công suất các trạm xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 276.300m3/ngày đêm; thu gom, xử lý được trên 30% lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực nội đô.
Theo định hướng Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Hệ thống nước thải thành phố được thu gom và xử lý tại 39 nhà máy với công suất đến năm 2030 là 1.808.300m3/ngày đêm; đến năm 2050 là 2.482.300m3/ngày đêm.
Tìm kiếm công nghệ mới
Như vậy có thể thấy, nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước, thu gom xử lý nước thải tại Hà Nội theo định hướng quy hoạch đề ra là rất lớn. Đây cũng là lý do thành phố Hà Nội mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực cấp, thoát nước, xử lý môi trường; đặc biệt là hướng tới áp dụng công nghệ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nhu cầu đổi mới công nghệ là tất yếu khi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm gia tăng, đặc biệt vấn đề chất lượng dịch vụ đang được thành phố đặt lên hàng đầu.
Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger chia sẻ, trước đây, nước Đức cũng từng trải qua giai đoạn ô nhiễm nặng nề. Đến nay, 99,8% đường ống thoát nước của các hộ gia đình đã được kết nối với hệ thống xử lý nước thải. Với 8.000 cơ sở xử lý nước thải và cung cấp nước sạch công và hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn cùng công nghệ phát triển, Đức luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam ở lĩnh vực này.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên công nghệ ngành Nước của Đức được khuyến khích đầu tư, phát triển tại Hà Nội. Theo ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có một số dự án đầu tư phát triển nước sạch, xử lý nước thải, môi trường áp dụng công nghệ của Đức như: Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (huyện Gia Lâm), Trạm cấp nước Dương Nội (Hà Đông), Trạm cấp nước tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn); Công nghệ xử lý chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C từ công nghệ của Công ty Watch Water...
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Chưa có địa phương nào lãnh đạo thành phố lại quan tâm, sâu sát như Hà Nội khi trực tiếp đứng ra kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào một lĩnh vực chuyên ngành như ngành Nước.
Thông qua Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị nước bạn giới thiệu các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế tại Thủ đô.
Công nghệ ngành Nước của Đức cũng hoàn toàn phù hợp với tiêu chí Hà Nội đặt ra là tiên tiến, thân thiện môi trường. Việc đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại cho ngành Nước của thành phố Hà Nội sẽ góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.