Nuôi thú cưng nhập lậu: Coi chừng "tiền mất, tật mang"
Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 22/03/2019
Lợn cảnh được nuôi tại một hộ gia đình ở phố Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân. |
Không khó tìm mua lợn cảnh
Nếu như chó, mèo được khá nhiều gia đình nuôi làm cảnh từ lâu thì lợn là vật nuôi cảnh mới, lạ, vừa rộ lên thời gian gần đây. Vào Google gõ cụm từ "mua lợn cảnh ở Hà Nội" chỉ trong khoảng 0,43 giây có 21.100.000 kết quả về lợn cảnh. Trên các trang mạng như: chotot.com; m.carong1068.com cùng rất nhiều mạng xã hội khác... lợn cảnh được rao bán khá nhiều với giá từ vài trăm nghìn đồng cho tới 6-7 triệu đồng/con.
Theo số điện thoại rao bán lợn cảnh trên mạng, chúng tôi đến phố Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân để trực tiếp xem lợn. Chị Phạm Thị Ngọc Ánh, người bán lợn cảnh cho biết: Gia đình bán nhiều loại thú cưng, gần đây, thị trường rộ lên “mốt” chơi lợn cảnh nên nhập về bán. Chỉ tay về một cặp lợn cảnh, chị Ánh nói: "Đôi lợn này có trọng lượng khoảng 2kg/con, giá 3 triệu đồng một con. Lợn cảnh rất hiền, không cắn người, sạch sẽ không có mùi hôi, thức ăn của lợn gồm cám viên, sữa, chuồng nuôi là một chiếc cũi sắt, lợn đã được tiêm phòng từ nhỏ...".
Qua tìm hiểu được biết, lợn cảnh có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan, là loại lợn nhỏ, có hình dạng gần giống lợn Móng Cái của Việt Nam, như: Thân ngắn, tròn, chân thon và bụng to, có khoang đen xen lẫn trắng ở đầu và thân. Lúc mới sinh, lợn có trọng lượng khoảng 200gam, sau khi nuôi 2-3 tháng, trọng lượng tăng lên 2kg và được bán làm cảnh. Tùy theo cân nặng và tuổi đời, giá lợn cảnh có trọng lượng 2-3 kg/con, giá từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/con; 8-10 kg/con, giá từ 6 đến 7 triệu đồng/con.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội), thú chơi lợn cảnh mới du nhập về Việt Nam thời gian gần đây. Tại Hà Nội hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về số lượng, tuy nhiên qua nắm bắt của Chi cục, trên địa bàn thành phố đã có một số hộ nuôi và hoạt động mua bán, trao đổi lợn cảnh. Ngoài lợn cảnh, người dân Hà Nội còn nuôi một số thú cưng khác như: Chó, mèo...; tổng đàn chó, mèo trên địa bàn Thủ đô hiện khoảng 421.700 con, trong đó có nhiều giống chó, mèo nhập từ nước ngoài.
Siết chặt việc nuôi thú cưng
Lợn cảnh có nguồn gốc từ nước ngoài đưa về Việt Nam tiêu thụ hầu hết không chứng minh được giấy tờ hợp pháp. Khi hỏi về các giấy tờ nhập khẩu lợn cảnh, chị Phạm Thị Ngọc Ánh cho biết: Lợn được mua từ Thái Lan chỉ có giấy tờ của người bán với người mua, không có giấy phép nhập khẩu của cơ quan chức năng. Nếu nhập chính ngạch, phải mất thêm chi phí về thuế, đội giá lên cao, do đó chủ yếu là lợn qua đường nhập lậu về Việt Nam.
Tiêm phòng cho thú cưng là rất cần thiết để phòng tránh dịch bệnh. |
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, lợn nhập lậu rất dễ mang theo mầm bệnh về Việt Nam. “Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng hiện nay, tốt nhất các gia đình không nên nuôi lợn cảnh; nếu đã nuôi thì phải tiêm phòng đầy đủ và theo dõi sức khỏe vật nuôi”, ông Chu Phú Mỹ khuyến cáo.
Không riêng lợn cảnh, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, việc quản lý, đăng ký vật nuôi trong các gia đình trên địa bàn thành phố hiện vẫn thiếu chặt chẽ. Các gia đình muốn nuôi chó, mèo, lợn... đều rất dễ dàng, hầu như không đăng ký hay khai báo với cơ quan chức năng. Công tác phòng bệnh cho vật nuôi cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Việc nuôi chó, mèo cảnh mặc dù đã được thuần hóa thân thiện với con người, nhưng đôi khi vẫn mất kiểm soát tấn công con người. Đơn cử, cuối năm 2018, tại xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín) đã xảy ra tai nạn, khi người chủ bị chính con chó giống nước ngoài, nặng khoảng 30kg tấn công lúc cho ăn. Hàng xóm thấy chủ nhà bị nạn chạy sang cứu cũng bị con chó lao ra cắn, khiến cả hai phải nhập viện với nhiều vết thương nặng. Ngoài ra, thú nuôi trong nhà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Nhiễm giun sán do quá trình tiếp xúc, ôm ấp chó, mèo hay bệnh dại do bị chó, mèo dại cắn...
Do đó, để hạn chế những hiểm họa từ thú cưng, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, cần siết chặt việc quản lý thú nuôi trong các gia đình để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra. Đối với các chủ nuôi, cần đăng ký vật nuôi với chính quyền địa phương, quản lý nuôi xích, nhốt hoặc đeo rọ mõm khi đưa động vật (đặc biệt là chó) ra nơi công cộng và tổ chức tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi theo quy định.
Đối với “mốt” chơi lợn cảnh, vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra ở tất cả các loại lợn (gồm lợn thịt, lợn cảnh và lợn rừng), hiện chưa có vắc xin tiêm phòng nên việc mua bán, trao đổi lợn cảnh trái phép rất nguy hiểm. Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký ban hành công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn cảnh mini qua biên giới; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép lợn cảnh mini không rõ nguồn gốc, lợn cảnh nhập lậu.