Chủ động giải pháp sử dụng điện hiệu quả để ổn định sản xuất

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 22/03/2019

(HNM) - Trước ảnh hưởng của việc tăng giá điện, các doanh nghiệp đã, đang chủ động triển khai các giải pháp sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, để không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Tổng công ty May 10 đã có phương án sản xuất khi giá điện tăng. Ảnh: Nhật Nam


Các doanh nghiệp không bất ngờ, bị động

Việc điều chỉnh giá điện chắc chắn sẽ tác động đến các ngành sản xuất bởi điện công nghiệp hiện chiếm khoảng 50% sản lượng điện. Cụ thể, theo tính toán của Bộ Công Thương, với hơn 1,4 triệu khách hàng sản xuất, với mức tăng 8,36%, bình quân mỗi hộ phải trả 12,39 triệu đồng/tháng, tăng 869.000 đồng/tháng (trong điều kiện vẫn sử dụng lượng điện tương đương năm 2018). Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 bày tỏ, cả người dân và doanh nghiệp không ai muốn tăng giá điện vì sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không bất ngờ với lần tăng giá này bởi các thông tin tăng giá điện đã rục rịch từ cuối năm 2018 và doanh nghiệp nắm bắt để tính toán phương án sản xuất.

Còn bà Nguyễn Thái Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hương (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), đơn vị chuyên sản xuất ống cống bê tông cho biết, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất của đơn vị rất lớn. Bởi vậy, sự điều chỉnh tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, trước mắt, việc tăng giá thành chưa được đơn vị tính đến mà sẽ tính toán điều chỉnh thời gian sử dụng điện hợp lý.

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc tăng giá điện cũng đã được tính toán rất cẩn thận, chặt chẽ. Bộ đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, với giá điện tăng 8,36%, theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3-3,9%. Với mức tăng này, việc điều chỉnh giá điện vẫn bảo đảm mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.

Nhiều giải pháp tiết kiệm điện

Trong buổi tọa đàm "Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía", tổ chức ngày 21-3 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, dù tâm lý người dân và doanh nghiệp không muốn tăng giá điện cũng như tăng giá các mặt hàng khác nhưng cân đối nền kinh tế một cách đa chiều thì điều chỉnh giá điện thời điểm này là hợp lý. Vì giá xăng, dầu thế giới cơ bản không tăng và không tạo mặt bằng lớn về áp lực lạm phát đối với Việt Nam. Đầu năm cũng là thời điểm để ngành Điện hạch toán kế hoạch kinh doanh cũng như các doanh nghiệp lên kế hoạch hoạt động. Ngoài ra đây là thời điểm Chính phủ có thể cân nhắc các bước điều chỉnh để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp có những giải pháp gì để hạn chế thấp nhất tác động của mức giá điện mới? Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Khóa Việt Tiệp cho hay, tăng giá điện là một thực tế và bản thân doanh nghiệp đã phải chủ động có giải pháp ứng phó, áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, nhằm tiết giảm chi phí năng lượng cho sản xuất. Tại Công ty TNHH Ngọc Hương, giải pháp đưa ra để tiết kiệm điện là sản xuất vào giờ thấp điểm, đầu tư thay thế thiết bị chiếu sáng tiêu hao ít điện năng, thay thế một số máy móc áp dụng công nghệ mới...

Còn theo ông Bùi Hữu Hùng, Giám đốc Công ty TNHH may Hùng Nguyệt (phường Sài Đồng, quận Long Biên), trước mắt, công ty sẽ sắp xếp lại sản xuất theo khung giờ thấp điểm, tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, hạn chế nguồn nhiệt bên ngoài xâm nhập nhà xưởng, đồng thời thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhằm giảm chi phí về điện.

Phó Trưởng ban Quan hệ cộng đồng Tổng công ty Điện lực miền Trung Hoàng Ngọc Thạch cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chủ động các giải pháp để ứng phó với giá điện tăng thông qua việc tiết kiệm điện, đầu tư nguồn điện mặt trời áp mái nhằm hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp một cách bền vững.

Thanh Hải - Thanh Hiền