Nữ trí thức Hà Nội tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Chính trị - Ngày đăng : 09:52, 22/03/2019
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020"; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Hoa; PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội chủ trì tọa đàm.
Cùng dự có GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học.
Mở đầu tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, kết quả sơ kết 8 chương trình công tác trọng điểm của thành phố cho thấy, dưới sự chỉ đạo Trung ương và Thành ủy Hà Nội, Chương trình 02-CTr/TU đã đạt kết quả đáng phấn khởi, được đánh giá là thành tựu nổi bật năm 2018 của Thủ đô Hà Nội.
Tính đến nay, đã có 4 huyện thuộc thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Các huyện: Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ đang trong quá trình xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện Hà Nội có 323/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước hạn.
Qua triển khai xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng chuyên canh để phát triển kinh tế. Nhờ đó, thu nhập của nông dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, đời sống của người dân, trong đó có gia đình hội viên phụ nữ được nâng lên.
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU bày tỏ mong muốn, thông qua cuộc tọa đàm sẽ được nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của các nữ trí thức Thủ đô với mục tiêu đóng góp vì sự phát triển bền vững của thành phố.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An khẳng định, ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp Hà Nội nói riêng luôn chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển của đất nước và Thủ đô. Với vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng, nông nghiệp đã và đang tạo việc làm cho 65% đến 67% dân số sinh sống tại khu vực nông thôn; cung cấp lương thực, thực phẩm cho 10 triệu dân và du khách đến làm việc, du lịch tại Thủ đô. Chính vì vậy, Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy ra đời mang tính chiến lược về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng sống của nông dân và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Trong gần 3 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, nông nghiệp Hà Nội đã có những bước phát triển đột phá. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng hơn 3,3%. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt khoảng 46,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 1,81%. Hội Nữ trí thức Hà Nội đề xuất được tham gia Chương trình 02-CTr/TU thông qua việc xây dựng mô hình điểm tại 2 xã (1 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đang xây dựng), với tên gọi "Nông thôn mới Tràng An", giúp địa phương có văn hóa làng xã, có giáo dục chuẩn mực, môi trường trong sạch, có nghề truyền thống và sản phẩm đẹp, an toàn, chất lượng để người nông dân, nghệ nhân tự hào sống đủ, sống dư bằng chính nghề của mình.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở, ban, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến, đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể nhằm phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng bền vững.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại tọa đàm. |
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nữ trí thức và đại biểu; đồng thời khẳng định, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp của nữ trí thức trong quá trình xây dựng và bảo vệ Thủ đô.
Nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới là mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước phát triển bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã thể hiện tinh thần tâm huyết, trách nhiệm của nữ trí thức Thủ đô trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Thủ đô. Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Hội Nữ trí thức Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, các sở, ngành thành phố nghiên cứu, hỗ trợ hội triển khai thực hiện.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 02-CTr/TU; tổ chức tập huấn phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo; lồng ghép vào nội dung tập huấn việc truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bạo lực gia đình gắn với giáo dục đạo đức lối sống... Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ các thành viên Hội Nữ trí thức Hà Nội thực hiện hiệu quả các đề xuất, qua đó đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của Thủ đô.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, những ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các nữ trí thức và đại biểu sẽ đóng góp thiết thực vào việc triển khai hiệu quả Chương trình 02-CTr/TU, góp phần hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và thiết thực hướng tới Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.