Đón đầu xu hướng mới

Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 27/03/2019

(HNM) - Với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giao thương và kinh tế của cả nước và khu vực Đông Nam Á, việc phát triển hệ thống thương mại Thủ đô văn minh, hiện đại là đòi hỏi cấp thiết, đang được thành phố tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm đón đầu xu hướng đô thị hóa.

Hà Nội rà soát quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Trong ảnh: Chuỗi siêu thị Co.opmart Hà Nội.


Kém hiệu quả vì quy hoạch chưa phù hợp

Với vị thế đặc biệt, Hà Nội không chỉ đóng vai trò là đầu mối sản xuất, kinh doanh, mà còn dẫn dắt hoạt động kinh tế của cả khu vực Bắc Bộ. Cùng với đó là sự phát triển mạnh của loại hình bán lẻ hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi ngày càng cao của người dân Thủ đô. Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, toàn thành phố có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ và hơn 700 cửa hàng tiện ích. Nhờ đó, đã hình thành phương thức thương mại hiện đại, văn minh, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới.

Nhận định về sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, mô hình thương mại hiện đại ngày càng chiếm ưu thế so với kênh bán lẻ truyền thống, đặc biệt là việc đa dạng sản phẩm, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc hàng hóa.

Không thể phủ nhận sự xuất hiện của các trung tâm thương mại sang trọng và đẳng cấp đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo thành phố, song, dù vốn đầu tư lớn và vị trí đắc địa, nhiều trung tâm thương mại vẫn giảm sút khách hàng. Điển hình như các trung tâm thương mại Lotte Center, Tràng tiền Plaza... dù mỗi nhà đầu tư đều lựa chọn đối tượng khách hàng chuyên biệt. Thậm chí, các chợ truyền thống, vốn giữ vai trò quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc gọi đầu tư phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, muốn đầu tư một dự án bất động sản, trước hết phải dựa trên quy hoạch. Quy hoạch đó phải tính toán xem đô thị, hoặc khu đô thị đó có sức chứa bao nhiêu người dân, cơ cấu cư dân ra sao..., từ đó mới xây dựng các chỉ tiêu về hạ tầng (giao thông, bãi đỗ xe, cây xanh, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại...). Nếu tính toán sai về quy hoạch và đặt trung tâm thương mại vào vị trí không hợp lý sẽ không hiệu quả. Vì vậy đã xuất hiện nghịch lý, trong khi một số trung tâm thương mại đìu hiu, vắng khách thì tại nhiều địa bàn đông dân cư như: Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (địa bàn quận Cầu Giấy và Thanh Xuân), Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) lại thiếu chợ, trung tâm thương mại để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong khu vực. Đây cũng là nguyên nhân làm phát sinh “chợ cóc”, vốn gây ra nhiều hệ lụy cho trật tự đô thị.

Tăng cường thu hút đầu tư

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện các loại hình trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô như chuỗi siêu thị Hapro, Vinmart, BigC, Co.opmart… chủ yếu là trung tâm mua sắm tổng hợp, phục vụ bán lẻ chứ chưa có các trung tâm thương mại quốc tế, các trung tâm bán buôn và trung tâm logistics lớn…

Trung tâm thương mại Vincom Center Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa).


Một số trung tâm mua sắm hiện đại mới như Aeon Mall, Royal, Time City, hay Lotte… tuy có quy mô lớn hơn, song vẫn chưa thể đạt tiêu chuẩn của thế giới (theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam), nên chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, một mặt cơ chế thu hút đầu tư hiện chưa thực sự hấp dẫn, mặt khác các nhà đầu tư cũng phải căn cứ nhu cầu thị trường để quyết định lập dự án. Bà Phương Lan cho rằng, quy hoạch hệ thống thương mại cũng bộc lộ bất cập dẫn tới tình trạng một số chợ đầu mối hoạt động thiếu hiệu quả...

Trong khi đó, theo Kế hoạch số 117/KH-UBND (ngày 24-5-2018) về triển khai phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm; 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ, 1.000 cửa hàng tiện ích; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng…

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu này, UBND thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trên cơ sở rà soát quá trình triển khai quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ từ năm 2012 đến nay và căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục xem xét điều chỉnh, cập nhật vị trí phù hợp đối với những dự án có trong quy hoạch ngành Thương mại nhưng thực tế không còn quỹ đất. Thành phố sẽ tăng cường các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại trong một chiến lược phát triển tổng thể; tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm để khắc phục khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực... Cùng với đó, chủ động rà soát quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm đi trước, đón đầu xu hướng đô thị hóa của thành phố; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng như bốn trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup tại các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Tập đoàn Semaris (Pháp) chuẩn bị cho dự án chợ đầu mối quốc tế nông sản tại huyện Gia Lâm…".

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, thành phố dành quỹ đất hợp lý cho đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trong quá trình sắp xếp lại nhà đất, di dời trụ sở cơ quan hành chính, nhà máy, xí nghiệp trong nội đô; hỗ trợ các nhà đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp các dự án hạ tầng thương mại đang hoạt động hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án liên quan đến lĩnh vực này...

Thực tế, dù còn nhiều khó khăn, song vẫn có thể lạc quan về tương lai của các trung tâm mua sắm, hệ thống thương mại hiện đại. Đó là sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu, quá trình đô thị hóa, nhu cầu không gian bán lẻ chất lượng cao, sức hút của trung tâm thương mại với các tiện ích và trải nghiệm mới.

Thanh Hiền