Người bạn tinh thần thân thiết và tin cậy
Văn hóa - Ngày đăng : 11:11, 28/03/2019
Báo Hànộimới Cuối tuần luôn là món ăn tinh thần của độc giả Thủ đô và cả nước. Ảnh: Dương Hiệp |
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng ban Thời Nay - Báo Nhân Dân: Mở rộng biên độ đề tài văn hóa, văn nghệ
Trong bối cảnh các mục sáng tác, các trang báo về đời sống văn hóa văn nghệ có phần thu hẹp, thậm chí biến mất trên nhiều tờ báo thì sự duy trì bền bỉ của Hànộimới Cuối tuần là đáng trọng. Điều này góp phần nuôi dưỡng tình yêu văn hóa, văn chương, nghệ thuật của người đọc, khích lệ người sáng tác và viết báo trong lĩnh vực này, tạo nên diễn đàn sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, trao đổi và gợi mở giữa những người quan tâm. Tờ báo góp phần chứng minh và gây dựng lòng tin về việc tạo dựng các diễn đàn để xây dựng, củng cố, sáng tạo, phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ cho Thủ đô là luôn cần thiết và cuốn hút.
Cũng chính từ đây, một đòi hỏi đặt ra là tăng khả năng đồng hành, thấm nhuần, tác động của các trang báo Hànộimới Cuối tuần đối với ngành Văn hóa, hội văn nghệ, người sáng tác Thủ đô và bạn đọc quan tâm đến Hà Nội, đồng thời tăng lên khả năng lan rộng đến bạn đọc bằng chính sự hấp dẫn, bằng nét duyên và tính thiết thực của những trang báo đó. Cần tăng mối quan tâm và sự trao đổi xung quanh những vấn đề văn hóa, văn nghệ Thủ đô ở cả khía cạnh định hướng, phát triển chính sách lẫn những sự việc, hiện tượng lớn, nhỏ mang đậm hơi thở cuộc sống. Gợi mở và khuyến khích để có nhiều hơn các cây bút chuyên nghiệp, không chuyên, bạn đọc, người dân có thể lên tiếng, đóng góp ý kiến đa dạng, đa chiều về đời sống văn hóa, văn nghệ Hà Nội... Tôi nghĩ đó có thể là những hướng hoạt động nghiệp vụ để tờ báo đến với mọi người rộng rãi và gần gũi hơn, trở thành ô cửa rộng mở để từ đó mỗi người thêm gắn bó, yêu thương Hà Nội.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH - TT Hà Nội: Hànộimới Cuối tuần có nhiều bài viết hấp dẫn, mang tính chuyên sâu
Tuy không có lợi thế nhanh, thời sự như báo hằng ngày nhưng Hànộimới Cuối tuần có nhiều bài viết hấp dẫn, mang tính chuyên sâu cùng các chuyên đề văn hóa có chất lượng cao, với những đánh giá, phân tích, nhận định mang tính khoa học hoặc những bài giới thiệu, tuyên truyền quảng bá mang tính toàn diện.
Bên cạnh đó, Hànộimới Cuối tuần đáp ứng được nhu cầu của các độc giả cao tuổi. Do hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại nên họ cần một tờ báo đọc chậm, thân thiện, dễ đọc, và đó cũng là một nét văn hóa của người Hà Nội.
Đặc biệt, báo Hànộimới Cuối tuần số Tết những năm gần đây được nhiều người ưa thích, trân trọng và tìm mua bởi hình thức trình bày đẹp, in ấn chất lượng và nhất là có những bài viết rất hay, thú vị về Hà Nội.
Trong lĩnh vực quản lý di sản, những bài viết mang tính nghiên cứu chuyên sâu, phân tích những khía cạnh nhiều chiều của di sản sẽ hữu ích hơn khi được đưa lên báo điện tử, bổ sung thông tin tư liệu, hình ảnh, thậm chí cả đồ họa để thu hút bạn đọc truy cập. Nhờ đó việc tuyên truyền, quảng bá cho các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội sẽ tốt hơn, giúp người đọc, nhất là giới trẻ, dễ hình dung hơn về di sản văn hóa của cha ông.
Hànộimới Cuối tuần cũng nên chú trọng đến cách thức tuyên truyền hấp dẫn hơn như thăm dò ý kiến dư luận hoặc phỏng vấn ngắn, không chỉ là ý kiến của các nhà quản lý mà cả các đối tượng khác để làm sao tương tác với độc giả tốt hơn và ngày càng có nhiều bạn đọc yêu thích Hànộimới Cuối tuần hơn.
Ông Bùi Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình: Mong nhận được nhiều hơn nữa những thông tin đa chiều
Ba mươi năm qua Hànộimới Cuối tuần thật sự gắn bó thân thiết với độc giả Thủ đô bởi đã đem đến nguồn thông tin rất phong phú, hấp dẫn, đa chiều về các mặt đời sống văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước. Thủ đô hơn 1.000 năm tuổi mang trong mình rất nhiều giá trị văn hóa - lịch sử mà chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy. Nhất là trong bối cảnh hôm nay, để hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, tạo sự tăng trưởng thật sự bền vững thì càng phải gìn giữ những giá trị văn hóa - lịch sử quý giá của cha ông, của những lớp người Thủ đô đi trước.
Một trong những vấn đề được báo Hànộimới Cuối tuần đề cập mà tôi rất tâm đắc, đó là xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Từ thực tế tại cơ sở tôi nhận thấy, sự vào cuộc tích cực của báo Hànộimới Cuối tuần đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định trật tự đô thị, văn minh công cộng, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Tôi mong rằng báo chí nói chung và Hànộimới Cuối tuần nói riêng sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là các vấn đề trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa để mỗi ngõ phố, mỗi khu dân cư sẽ ngày càng thêm sáng - xanh - sạch - đẹp, để Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Chúng tôi cũng mong nhận được nhiều hơn nữa những thông tin đa chiều về mọi mặt công tác của cơ sở để phát huy những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế, thúc đẩy bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Chúc Hànộimới Cuối tuần phát huy những kết quả đã đạt được trong 30 năm qua, nỗ lực nhiều hơn nữa trong chặng đường tiếp theo, thật sự là người bạn gần gũi, gắn bó, là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Nhạc sĩ - Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Kết nối những giá trị xưa và nay của thành phố nghìn năm tuổi
Là một ấn phẩm gần gũi và thân thiết đối với tôi, Hànộimới Cuối tuần mang đậm hương vị đặc trưng của mình trong làng báo. Hương vị ấy được kết tụ từ những cái chung và riêng. Chung là tờ báo cũng giống như nhiều tờ cuối tuần dành không gian cho các bài mang tính chuyên sâu, mang đậm chất văn hóa, văn nghệ. Còn riêng bởi từ chính những bài báo toát lên vẻ đẹp nghìn năm thanh lịch của Hà Nội, là sự kết nối những giá trị xưa và nay ở mảnh đất rồng bay này.
Cũng chính từ những nét riêng ấy đã kết nối, đưa tôi đến với Hànộimới Cuối tuần. Để rồi, từ một độc giả thường xuyên của tờ báo, tôi đã trở thành cộng tác viên thân thiết, một cây bút đầy nhiệt huyết góp phần gìn giữ nét đặc trưng của Hànộimới Cuối tuần.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dường như có tác động cơ bản tới đời sống báo chí. Thói quen tiếp nhận thông tin, thói quen đọc báo giấy dường như đã bị ảnh hưởng khi số lượng độc giả đang dần dịch chuyển sang tiếp nhận tin tức qua mạng. Dẫu thế thì báo in truyền thống vẫn có một giá trị riêng, đặc biệt là những tờ báo mang tính chuyên biệt với những bài viết sâu, đậm sắc màu văn hóa như tờ Hànộimới Cuối tuần.
Ông Nguyễn Đình Quảng (số 95 Quang Trung, quận Hà Đông): Nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng vẫn bám sát tính thời sự
Từ năm 1991, khi chuyển công tác từ Hòa Bình về Trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ) tôi đã “bén duyên” với tờ Hànộimới Chủ nhật (sau là Hànộimới Cuối tuần), lúc đó còn in khổ to như tờ Hànộimới hằng ngày. Ngay từ ngày đó tờ báo đã cuốn hút tôi bởi những bài viết đặc sắc về lối sống của người Hà Nội, về các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của Thủ đô cũng như của cả nước và thế giới...
Sau khi nghỉ hưu, tôi càng có điều kiện đọc báo, cộng tác viết bài cho Hànộimới Cuối tuần. Những năm gần đây tôi nhận thấy tờ báo đã có sự đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt, khoảng 1 năm trở lại đây báo đã có sự phân chia rạch ròi, với những trang chuyên đề, chuyên mục bàn luận sâu sắc về các vấn đề văn hóa, văn nghệ, du lịch..., với những bài viết mang phong cách nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng vẫn bám sát tính thời sự.
Chính những bài viết phong phú, bổ ích trong những trang, mục rõ ràng đó đã giúp độc giả thuộc các ngành nghề khác nhau, có sở thích khác nhau, dễ tìm được thông tin, kiến thức phù hợp với mình.