Nâng cao năng lực vận tải đường bộ và đường thủy nội địa
Giao thông - Ngày đăng : 11:15, 28/03/2019
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới, đường bộ là phương thức vận tải "xương sống" trong hoạt động vận tải hàng hóa ở Việt Nam, chiếm khoảng 77% tổng lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước. Chi phí vận tải chiếm khoảng 60% tổng chi phí logistics tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vận tải hàng hóa đường bộ cũng góp phần gây ra gần 4% lượng phát thải của cả nước, trong khi lượng phát thải của toàn ngành vào khoảng 10%. Quá trình kết nối cung - cầu vận tải chưa hiệu quả. Tình trạng xe chạy "rỗng" chiều về còn cao, chiếm khoảng 50-70%; ùn tắc giao thông từ hoạt động vận tải còn diễn biến phức tạp...
Nhằm nâng cao hiệu quả ngành vận tải đường bộ, báo cáo đề xuất xây dựng các trung tâm giao nhận đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để giao nhận và vận chuyển hàng hóa; lồng ghép quy hoạch sử dụng đất và vận chuyển đa phương thức để phân chia luồng vận tải hành khách và hàng hóa. Để tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí logistics, cần nghiên cứu sáp nhập các công ty kinh doanh vận tải quy mô nhỏ thành doanh nghiệp lớn hơn; sử dụng xe có trọng tải phù hợp cho từng tuyến vận tải cụ thể; giảm các chi phí không chính thức...
Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển, áp dụng công nghệ vận tải xanh cũng như đưa ra các sáng kiến để hiện đại hóa đội xe tải, bảo đảm vận hành tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường...
Với ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam, theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới, ngành này đang đảm nhận vận chuyển khoảng 1/5 tổng lượng hàng hóa luân chuyển trong nước. Quan trọng hơn, phát triển vận tải thủy nội địa giúp giảm nhu cầu đầu tư xây dựng đường bộ, vốn đòi hỏi chi phí xây dựng và bảo trì nhiều hơn so với đường thủy; giảm tai nạn và ùn tắc giao thông; giảm lượng phát thải khí nhà kính...
Để phát triển đường thủy nội địa, báo cáo đề xuất các giải pháp trọng yếu gồm: tăng cường thể chế theo hướng ưu tiên cho việc nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các quy định, chính sách hiện hành; thực hiện các hợp đồng quản lý và bảo trì đường thủy dựa trên chất lượng thực hiện và dài hạn hơn để khuyến khích các nhà thầu có năng lực; thực hiện phân tích rủi ro để ưu tiên các tuyến đường thủy trong toàn mạng lưới cần được đầu tư lớn nhất về năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải cần tăng cường nguồn vốn trong nước cho các dự án vận tải đường thủy nội địa; xác định dự án phát triển hạ tầng giao thông nào có tiềm năng thực hiện theo mô hình đối tác công - tư (PPP)...