Hà Nội: Tiếp xúc cử tri chuyên đề về giáo dục hướng nghiệp

Chính trị - Ngày đăng : 14:55, 28/03/2019

(HNMO) - Chiều 28-3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề: “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay; góp ý vào một số nội dung lớn trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)”.


Cùng dự hội nghị có: Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và các sở, UBND quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay có những khó khăn, vướng mắc gì khi thực hiện tại địa phương; công tác lập kế hoạch cho hoạt động và các hình thức hướng nghiệp ở các trường trung học phổ thông được thực hiện như thế nào, những hạn chế và giải pháp khắc phục; việc thực hiện chức năng tổ chức cho quản lý giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học phổ thông hiện nay; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục hướng nghiệp ở các trường trung học phổ thông thực hiện chức năng chỉ đạo, thực thi các hoạt động giáo dục hướng nghiệp như thế nào và cần có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả thực thi các nhiệm vụ trong thời gian tới; công tác thanh tra, kiểm tra và đánh giá các hoạt động hướng nghiệp... Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu góp ý vào một số nội dung trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Chỉ thị 10-CT/TƯ ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 30%. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là yếu tố tâm lý của các bậc phụ huynh và học sinh nên tỷ lệ này hiện vẫn ở mức khiêm tốn.

Theo số liệu thống kê của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học nghề mới dừng ở mức từ 5,8% đến 7,2% trong tổng số học sinh được xét tuyển vào các trường nghề giai đoạn từ 2011-2015; năm học 2018-2019 tăng lên 11,8%. 

Tại hội nghị, các cử tri đã kiến nghị nhiều nội dung về hoạt động hướng nghiệp, như: Sớm ban hành tiêu chí cụ thể để tuyển được học sinh học nghề; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau đào tạo của các trường, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp vào nội dung này; có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh học nghề; tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho tất cả các đối tượng liên quan đến học nghề; có cơ chế đánh giá năng lực học sinh bảo đảm chính xác và phân luồng được học sinh từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông; đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu để học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông có điều kiện trải nghiệm, khơi dậy niềm ham mê nghề nghiệp...

Góp ý về Luật Giáo dục (sửa đổi), cử tri cho rằng, bổ sung nội dung phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc trong giáo dục. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục (sửa đổi) cần đưa nội dung tự chủ vào trong các nhà trường; có sách giáo khoa chung của bậc phổ thông trung học và nghiên cứu kỹ việc xã hội hóa; bổ sung quy định người dạy học được bảo vệ quyền lợi, nhân phẩm...

Phát biểu tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, hiện nay, hướng nghiệp và phân luồng trong học sinh của Hà Nội vẫn còn những hạn chế, đạt chỉ tiêu không cao. Hiện thành phố đã ban hành kế hoạch, trong đó nêu rõ mục tiêu, giải pháp cần thực hiện và phân công cụ thể các sở, ngành, quận, huyện. Cụ thể, năm 2019, thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các trường nghề trên địa bàn xây dựng danh mục các ngành nghề, nội dung, định hướng công tác tuyển sinh để tập hợp thành tập thông tin cung cấp cho học sinh, phụ huynh. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội. Ngoài việc hỗ trợ học sinh học nghề, cần xây dựng chính sách hấp dẫn, chính sách hỗ trợ liên thông; bổ sung dạy thêm 2 môn ngoại ngữ và tin học trong đào tạo nghề.

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, giữa nhà trường và doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về đào tạo, định hướng nghề nghiệp….

Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Đoàn tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri để đánh giá kỹ hơn thực trạng, giải pháp, đề xuất cho vấn đề này, trong đó gắn định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề với tạo việc làm. Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị của thành phố rà soát, đánh giá quy hoạch nguồn nhân lực của Hà Nội thời gian tới cần những lĩnh vực, ngành nghề gì nhằm ưu tiên cho các lĩnh vực đào tạo nghề cấp thiết. Bên cạnh đó, thành phố cần tiến hành khảo sát cơ sở dạy nghề, đánh giá thực trạng và có đề xuất đầu tư hợp lý...

Hiền Thu