Tiện ích từ thẻ xe buýt thông minh

Giao thông - Ngày đăng : 07:15, 29/03/2019

(HNM) - Sau nhiều lần lỡ hẹn, dự án thẻ xe buýt điện tử thông minh vừa được triển khai thí điểm trên 9 tuyến xe buýt ở thành phố Hồ Chí Minh.


Tham gia dùng thẻ xe buýt thông minh hơn 2 tuần nay, bạn Hà Thu Dung (sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Tôn Đức Thắng, quận 7) cho hay: "Hằng ngày đến trường bằng xe buýt nên việc dùng thẻ xe buýt thông minh đã giúp em rất nhiều trong quá trình di chuyển như không phải xuất trình thẻ sinh viên, chỉ cần quẹt vào đầu đọc thẻ trên xe buýt..., vừa tiện lợi vừa hiện đại".

Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng thẻ điện tử thông minh trên 9 tuyến xe buýt.


Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh, mô hình thanh toán tự động trên xe buýt qua thẻ điện tử thông minh được áp dụng thí điểm (giai đoạn 1) trên 141 xe của 9 tuyến buýt (mã số 86, 50, 52, 55, 30, 93, 59, 68 và 69). Đây là các tuyến có lộ trình đi qua các trường đại học, có số lượt hành khách đi lại thường xuyên cao. Dự kiến từ tháng 7-2019 sẽ triển khai tiếp trên 139 xe của 7 tuyến buýt (mã số 10, 18, 28, 45, 54, 91 và 150).

Với mô hình trên, có 2 phương thức để hành khách có thể sử dụng thanh toán trên xe buýt, gồm: Thẻ vật lý (Uni Pass) và mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh. Với thẻ Uni Pass, hành khách có thể đến các điểm giao dịch đăng ký các thủ tục và nhận thẻ. Để sử dụng, hành khách nạp tiền trước đó và khi lên xe sẽ dùng thẻ để quẹt vào đầu đọc thẻ trên xe buýt (một thẻ/một khách hàng). Với phương thức thanh toán bằng vé điện tử mã QR trên ứng dụng điện thoại, hành khách vào ZaloPay, chọn ứng dụng “xe buýt” và thực hiện thao tác đăng ký. Khi sử dụng, hành khách lên xe, mở ứng dụng Uni Pass đã đăng nhập (đã nạp tiền trong tài khoản) và chọn chức năng vé điện tử.

Đánh giá về bước tiến trên, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình vận hành thử nghiệm, đơn vị sẽ theo dõi, hoàn chỉnh giải pháp kỹ thuật, các chức năng hệ thống và rút kinh nghiệm để điều chỉnh nhằm đạt được các mục tiêu về hiệu quả vận hành đặt ra. Việc này sẽ được báo cáo để Sở Giao thông - Vận tải trình UBND thành phố Hồ Chí Minh triển khai mở rộng trên toàn hệ thống xe buýt.

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 138 tuyến xe buýt gồm: 100 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá, với tổng số 2.457 phương tiện. Theo kế hoạch phát triển ngành Vận tải hành khách công cộng từ nay đến năm 2030, xe buýt vẫn giữ vai trò chủ lực. Do đó, việc hiện đại hóa trong ứng dụng thanh toán tự động đối với hoạt động giao thông công cộng bằng xe buýt là cần thiết. Cụ thể, khi đưa vào sử dụng loại thẻ này hướng đến việc thanh toán không cần dùng tiền mặt, thậm chí không cần xuất trình thẻ học sinh, sinh viên. Khi người dân đã quen sử dụng, thành phố sẽ không sử dụng tiếp viên xe buýt; tiến tới liên thông với các hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn như: Tàu điện ngầm, xe buýt nhanh, buýt đường thủy... Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân sử dụng xe buýt, góp phần kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Gia Bảo