Làng Mạch Tràng
Xã hội - Ngày đăng : 10:20, 22/03/2005
Năm Tự Đức thứ 29 (1876), cả tổng Cổ Loa được tách khỏi huyện Đông Ngàn, để lệ thuộc huyện Đông Anh mới được thành lập. Từ tháng 10 - 1901, huyện Đông Anh thuộc tỉnh Phù Lỗ (tháng 2 - 1904, đổi tên thành tỉnh Phúc Yên).
Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Mạch Tràng hợp nhất với các làng bên thành một xã mang tên Thục Vương thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, sau đó là các xã : Hồng Lạc, Độc Lập, thuộc huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên (từ năm 1950, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).
Sau Cải cách ruộng đất, Mạch Tràng cùng với các thôn : Cổ Loa, Cầu Cả, Thư Cưu, Sàn Giã và Đài Bi thuộc xã Quyết Tâm của huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (từ tháng 6 - 1961, được chuyển về Hà Nội. Năm 1965, xã Quyết Tâm được đổi tên thành xã Cổ Loa.
Mạch Tràng là một làng nông nghiệp, hai phần ba đồng ruộng của làng là ruộng chiêm, hững chịu nguồn nước từ huyện Yên Lãng (tỉnh Vĩnh Phúc) theo sông Hoàng Giang (hay sông Thiếp) đổ về, nên năng suất lúa ở đây thấp và bấp bênh. Về nghề phụ, dân làng biết làm bún và điều đặc biệt là các lá bún ở đây được chế tạo thành hình xoáy chôn ốc, tượng trưng cho thành Cổ Loa.
Trước Cách mạng, Mạch Tràng là làng có dân số thuộc diện trung bình (năm 1926 có 738 nhân khẩu). Dân cư ở tại bốn xóm (Chùa, Ngói, Giữa và Trì). Trai đinh được chia thành bốn giáp (Đông, Nam, Đoài, Bắc). Thứ tự này cũng là trình tự các giáp luân phiên nhau đăng cai, gánh vác các công việc của làng, nhất là việc sửa lễ thờ thần. Giáp ở đây còn là đơn vị phân cấp công điền công thổ. Theo bản Hương ước soạn lại năm 1942 thì làng còn đến 197 mẫu 9 sào để quân cấp theo đơn vị giáp (giáp Bắc có 75 mẫu 2 sào, giáp Nam có 46 mẫu 9 sào, giáp Đông có 25 mẫu 5 sào, giáp Tây có 50 mẫu 3 sào).
Trong đời người xưa kia, một trai đinh làng Mạch Tràng phải đảm nhận nhiều đóng góp nặng nề theo đơn vị giáp. Đó là nuôi lợn cân, nộp vào hai dịp : Hội làng (các ngày mồng 6, 9 và 12 tháng Giêng), mỗi giáp phải có một con lợn đực đen tuyền, nặng từ 51 cân ta trở lên (mỗi cân ta ước khoảng 0, 7 kg hiện nay). Người đến lượt làm nghĩa vụ phải nuôi từ trước đó hàng năm. Dịp thứ hai là ngày ăn ruộng, tức ngày các trai đinh đến tuổi 18 được nhận ruộng công của làng, vào mồng 5 tháng Hai, mỗi giáp một con lợn, do một người đến lượt phải nuôi. Nghĩa vụ nuôi lợn cân hầu như trai đinh nào trong đời, trước tuổi lên lão phải gánh vác một lần. Người nuôi lợn cân được làng cấp một sào ruộng.
Nghĩa vụ thứ hai là nuôi lợn ỷ , do người cai đám phải gánh vác. Mỗi năm có một giáp phải nuôi lợn này, giao cho một người cao nhất trong độ tuổi 54 (theo sổ hàng giáp) đảm nhiệm. Lợn được nuôi trong hai năm, dùng vào lễ Chạp (30 tháng Một). Nuôi lợn ỷ rất vất vả và tốn kém nên người nuôi được cấp 3 mẫu 2 sào ruộng tế đám, thuộc loại ruộng tốt nhất làng.
Nghĩa vụ thứ ba là làm cỗ chay, vào các ngày mồng 7, 8, 9 và 11 tháng Giêng hàng năm , mỗi ngày có một cỗ chay, các giáp luân phiên nhau sửa cỗ, gồm bỏng, bánh vừng, bánh chay, chè, cam… Các loại bánh, bỏng, chè làm rất cầu kỳ, từ khâu chọn lọc gạo đến giã bánh. Người làm cỗ chay được cấp 6 sào ruộng.
Làng Mạch Tràng cũng thờ An Dương Vương, có đình, chùa (mới được Nhà nước cấp kinh phí tu bổ lại), văn chỉ, am thờ Mỵ Châu. Là một trong “Bát xã hộ nhi” của An Dương Vương nên hàng năm, vào ngày mồng sáu tháng Giêng, làng rước kiệu và lễ vật lên đình Cổ Loa tổ chức hội chung.
TS. Bùi Xuân Đính