EU nỗ lực phá vỡ “thiên đường thuế”

Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 30/03/2019

(HNM) - Sau phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) ngày 26-3 vừa qua, Ủy ban chuyên trách về chống trốn thuế châu Âu đã bổ sung 7 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) vào danh sách “thiên đường thuế” bao gồm: Bỉ, Cyprus, Hungary, Ireland, Luxembourg, Malta và Hà Lan.

Đây là lần đầu tiên EU cáo buộc một số nước thành viên của khối có hành vi tiếp tay cho hoạt động trốn thuế, gây thiệt hại nặng nề cho các nước khác. Trong đó, riêng Hà Lan bị cáo buộc nới lỏng các quy định thuế, khiến các nước thành viên trong khối thiệt hại khoảng 11,2 tỷ euro.

Các số liệu của EP cũng cho thấy, thiệt hại do lậu thuế đối với 28 nước EU đã lên tới 1.000 tỷ euro mỗi năm. Riêng các thủ thuật “tối ưu hóa thuế” cũng gây thiệt hại từ 50 đến 70 tỷ euro. Trên quy mô toàn cầu, con số thiệt hại ước tính lên tới 20.000-30.000 tỷ euro, lớn hơn cả GDP của Mỹ.

Trong phiên họp toàn thể vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua nhiều đề xuất quan trọng về việc loại bỏ các hoạt động trốn thuế.


Những số liệu đáng lo ngại trên buộc EU phải tích cực theo dõi và xử lý các “thiên đường thuế”. Mới đây, EU đã nhất trí bổ sung vào danh sách đen "thiên đường thuế” 10 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Đảo Aruba của Hà Lan, Barbados, Belize, vùng lãnh thổ hải ngoại Bermuda của Anh, Fiji, quần đảo Marshall, Oman, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Vanuatu và Dominica.

Thực tế, ý tưởng lập danh sách bao gồm những quốc gia yếu kém trong nỗ lực chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố được EU khởi xướng từ tháng 4-2016. Đến tháng 12-2017, bản kê cụ thể lần đầu tiên được công bố với 17 quốc gia nằm trong "danh sách đen". Sau hai tháng, danh sách này rút xuống còn 9 quốc gia vì một số nước thực hiện cam kết thực hiện tốt và được loại khỏi danh sách.

Bên cạnh "danh sách đen", EU hiện cũng duy trì một "danh sách xám", gồm 34 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc diện “đang xem xét”.

Trong vài năm qua, việc các tập đoàn lớn hay những nhân vật giàu có trốn thuế bằng chiến lược “tối ưu hóa về thuế” là một thách thức lớn đối với các nước châu Âu. Việc sửa đổi luật lệ để thích ứng với chuyển dịch của thị trường tài chính thế giới trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với EU. Hiện nay, các luồng vốn tự do luân chuyển trong khi mỗi công ty lại có nhiều trụ sở ở nhiều quốc gia khác nhau, khiến việc kiểm soát thuế gặp vô vàn khó khăn.

Chính vì vậy, ngoài việc liên tục cập nhật danh sách bị giám sát nêu trên, EP cũng đưa ra một số đề nghị như: Điều chỉnh luật lệ tài chính; các nước bị nêu tên phải có biện pháp ngăn chặn hoạt động trốn thuế; các nước EU tiến tới loại bỏ thị thực “vàng”, ngăn chặn tình trạng mua bán thị thực nhập cảnh vào châu Âu với giá cao.

Ngoài ra, EP yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) lên kế hoạch thành lập lực lượng Cảnh sát tài chính châu Âu; thành lập một đơn vị tình báo tài chính và dành một khoản ngân sách nhằm hỗ trợ phóng viên điều tra các vụ tội phạm rửa tiền hay trốn thuế. EP cũng đề nghị thành lập một cơ quan chuyên trách về thuế toàn cầu thuộc Liên hợp quốc. Tất cả các đề xuất này đã được thông qua tại phiên họp toàn thể của EP, với 505 phiếu thuận, 63 phiếu chống và 87 phiếu trắng.

Giới quan sát nhận định, những động thái mới nhất cho thấy EU rất nghiêm túc trong việc loại bỏ những "ung nhọt" về tài chính trong nội bộ khối, nhằm góp phần làm lành mạnh hóa nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chế tài EP đưa ra chưa có các biện pháp trừng phạt cứng rắn kèm theo, điều đó cho thấy Lục địa già vẫn mong muốn các quốc gia tự cân nhắc biện pháp thay đổi cho phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù EP không đưa ra các biện pháp trừng phạt nhưng nếu quốc gia nào bị rơi vào “danh sách đen”, quốc gia đó sẽ phải hứng chịu những tổn thất nhất định trong các giao dịch thương mại, đồng thời làm mất đi thể diện của chính quốc gia mình.

Hoàng Linh