Chủ động tạo bứt phá

Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 30/03/2019

(HNM) - Ngày 29-3, Tổng cục Thống kê đã công bố thông tin về kinh tế - xã hội quý I-2019, đồng thời thông báo những định hướng và gợi mở một số vấn đề cần quan tâm để có giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2019...

Sản xuất công nghiệp đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế quý I-2019. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty ô tô Thaco Trường Hải. Ảnh: Danh Lam


Tín hiệu khả quan

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 6,79%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước - là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây. Điều này đã tạo ra tâm lý ổn định, cũng như tạo đà cho tăng trưởng trong các quý tiếp theo.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, môi trường kinh doanh tiếp đà cải thiện và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, an sinh xã hội được giữ vững... Có thể nói, bức tranh kinh tế quý I chủ yếu mang màu sáng, khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu suy giảm...

Phân tích cụ thể cho thấy, ngành Công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tổng giá trị gia tăng thêm của nền kinh tế; riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,35% so với cùng kỳ và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, kết quả hoạt động của ngành khai khoáng giảm 2,2% cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng - từng bước giảm hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản để dự trữ, phục vụ cho nhu cầu lâu dài.

Điểm sáng nữa trong quý I là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 10,8 tỷ USD, tăng hơn 86% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cả nước đã có thêm 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đầu tư 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về lượng vốn so với cùng kỳ. Đặc biệt, vốn bình quân của doanh nghiệp mới thành lập đạt 13,2 tỷ đồng/đơn vị, tăng 26,9%. Như vậy, lượng vốn mới bổ sung vào nền kinh tế từ nguồn trong và ngoài nước đang gia tăng, thể hiện rõ môi trường đầu tư - kinh doanh đã được cải thiện.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 58,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp so với kỳ vọng, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đã tăng 9,7% trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 2,7%. Điều này cho thấy sức vươn của doanh nghiệp nội đang có sự cải thiện đáng ghi nhận. Hơn nữa, nền kinh tế đã xuất siêu 536 triệu USD giá trị hàng hóa. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch đang trên đà tăng khá mạnh khi Việt Nam được xác định là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế...

Hóa giải thách thức


Tuy nhiên, nền kinh tế đang và sẽ đối diện không ít thách thức, bất lợi. Đó là, kinh tế quốc tế vẫn trong chu kỳ suy giảm, mâu thuẫn thương mại giữa các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, hiện nay độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn và sẽ tiếp tục xu hướng này, vì vậy sẽ trở nên “nhạy cảm” hơn, chịu tác động trực tiếp từ diễn biến đời sống thương mại quốc tế. Nhịp độ và kết quả hoạt động giao thương trên thị trường thế giới sẽ tác động rất nhanh đến Việt Nam cũng như có tính chất đan xen giữa thuận lợi và bất lợi.

Du lịch tiếp tục tăng trưởng, đóng góp cho phát triển kinh tế quý I-2019. Ảnh: Diệu Anh - TTXVN


Bên cạnh đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả tăng trưởng chung; nguy cơ hiểm họa từ thiên nhiên, nhất là hạn hán đang hiện hữu. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, trở thành nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nuôi và CPI thời gian tới; lạm phát vẫn có thể gia tăng do ảnh hưởng của bệnh dịch và giá xăng, dầu, điện tăng...

Trước những thách thức đó, để giữ đà phát triển, việc chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng. Ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX - Tập đoàn PVN) cho biết: "Vừa qua, công ty đã đầu tư đưa 10 dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Quý II-2019 sẽ nâng công suất nhà máy lên 25 dây chuyền sản xuất. Trong thời gian tới, PVTEX sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác về vấn đề tài chính. Nếu việc này thành công, hy vọng việc sản xuất xơ sợi của công ty sẽ đạt hiệu quả, từ đó góp phần vào tăng trưởng của PVN nói riêng và kinh tế cả nước nói chung".

Cũng với suy nghĩ về chủ động khai thác tiềm năng thị trường, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nêu quan điểm: Năm 2019, kinh tế thế giới tiềm ẩn những diễn biến rất khó lường. Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội. Lợi thế dành cho Việt Nam đến từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với hai thị trường xuất khẩu tiềm năng lên tới 20 tỷ USD của Canada và 40 tỷ USD của Australia. Việt Nam hiện mới chiếm 4-5% các thị trường này.

Nếu kịch bản tốt, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm thị trường EU, từ đó có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ USD. Có được cơ hội tốt, ngành Dệt may Việt Nam sẽ tiến tới mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019. Ngành cũng đặt mục tiêu phải vừa tăng trưởng bảo đảm lợi nhuận bền vững, vừa phải tạo việc làm cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), cần xác định, xuất khẩu là động lực của tăng trưởng để tìm cách thúc đẩy xuất khẩu. Hiện, dư địa làm hàng xuất khẩu của nền kinh tế khá dồi dào, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao có thêm đơn hàng xuất khẩu dựa trên cơ sở tìm thêm thị trường, đối tác nhập khẩu. Ở đây có vấn đề, mục tiêu xúc tiến xuất khẩu phải mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là cần tăng cường thâm nhập vào thị trường ASEAN.

Bên cạnh đó, ngành Thống kê luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, đề xuất kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý cũng như đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế cả năm.

Vì thế, cấp thẩm quyền cần chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01/2019/NQ-CP và Nghị quyết 02/2019/NQ-CP ngày 1-1-2019 về tập trung cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân; việc điều chỉnh giá nên thực hiện ở thời điểm hợp lý, tránh xáo trộn; chủ động hỗ trợ khởi nghiệp, tăng tốc giải ngân đầu tư công; xúc tiến đầu tư thương mại; chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu; theo dõi kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá lãi suất bảo đảm nguồn cung vốn vay cho doanh nghiệp... Nếu có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, bức tranh kinh tế cả năm 2019 vẫn sẽ đáp ứng yêu cầu đề ra.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã họp với các bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo các đơn vị bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, khắc phục các rào cản, hướng tới việc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn 6,8% trong năm nay. Đây là mục tiêu không dễ, nhưng phải phấn đấu đạt được...

Trong một diễn biến mới nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa họp với Ban Chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu các ngành chức năng làm tốt công tác điều hành, đồng thời khẳng định Chính phủ luôn theo dõi sát diễn biến CPI, để chủ động ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiệu quả.

Hồng Sơn