Chấn hưng, bồi đắp văn hóa ứng xử - cần cả xã hội vào cuộc
Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 31/03/2019
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. |
Nhận diện hiện tượng phản văn hóa trong xã hội
- Văn hóa là nền tảng của sự phát triển và văn hóa ứng xử là biểu hiện của văn hóa trong đời sống xã hội. Những biểu hiện đó trong đời sống hôm nay như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Như chúng ta đã biết “Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội”. Văn hóa ứng xử nói chung được thể hiện ở các lĩnh vực cuộc sống như: Lối sống, lý tưởng, niềm tin, tình yêu nghề nghiệp, văn hóa chấp hành luật pháp, nội quy, quy định trong nhà trường; văn hóa thực hiện công vụ; văn hóa giao tiếp; văn hóa ăn mặc…; việc ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Bản chất của văn hóa ứng xử là đạo đức, tình cảm, là lý trí, sự nhẫn nhịn và nhường nhịn… Tuy nhiên, có nhiều hiện tượng trong văn hóa ứng xử chưa phù hợp với cuộc sống hiện tại, những biểu hiện về lối sống, cách ứng xử nặng về tính cá nhân, ích kỷ, vụ lợi đang xảy ra trong xã hội hiện nay.
- Xin Bộ trưởng đánh giá mức độ đáng lo ngại của những biểu hiện thiếu lành mạnh trong văn hóa ứng xử thời gian qua?
- Trước hết, tôi đánh giá cao vai trò của truyền thông trong việc đưa những thông tin mang tính phản biện, phản ánh những mặt trái của cuộc sống để từ đó chúng ta có những điều chỉnh cho phù hợp. Tôi cho rằng, bản chất xã hội là tốt đẹp, nhưng bên cạnh đó cũng có những hiện tượng tiêu cực như mặt trái của quá trình phát triển. Tệ nạn xã hội, tội phạm, mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, thương mại hóa lễ hội, chặt chém du khách, thói côn đồ, hay những hành vi ứng xử không phù hợp ở nơi công cộng… là những biểu hiện cụ thể của các hiện tượng phản văn hóa đó.
Nguyên nhân của các hiện tượng này đến từ ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, khiến cho các giá trị kinh tế lấn át những giá trị văn hóa; đến từ mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế, khiến cho các cá nhân bị cuốn hút bởi những giá trị ngoại lai, không phù hợp với giá trị văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến giáo dục trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, sự chuyển đổi trong xã hội, khiến nhiều bộ phận người dân lúng túng trong việc xử lý các ứng xử của mình sao cho phù hợp với bối cảnh mới...
- Không phải đến bây giờ chúng ta mới có những cảnh báo và đề ra giải pháp để chấn hưng văn hóa, căn chỉnh hành vi ứng xử trong đời sống xã hội. Thế nhưng, những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử vẫn tồn tại. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa Bộ trưởng?
- Chúng ta đã nhận ra vấn đề từ khá lâu và cũng đã có những hình thức xử lý. Năm 1998, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với 4 quan điểm, 10 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp. Đến năm 2014, tại Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiếp tục ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với 4 quan điểm, 6 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp.
Từ những nghị quyết này, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có những chiến lược, kế hoạch để phát triển văn hóa. Liên quan trực tiếp đến văn hóa ứng xử, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg về Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước và năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Cũng trong năm 2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1665/QĐ-UBND về Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3-10-2018 về Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 và Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 về Đề án văn hóa công vụ.
Như vậy, về văn bản pháp lý và các hướng dẫn, chúng ta có tương đối đầy đủ. Vấn đề hiện nay là, làm thế nào để các văn bản này đi vào cuộc sống, có ý nghĩa tích cực trong việc hướng dẫn hành vi cho người dân. Theo tôi, chúng ta nên đơn giản hóa các thông điệp về ứng xử, giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Các phương tiện truyền thông cũng cần làm tốt hơn nữa việc truyền đi các thông điệp về văn hóa ứng xử qua gương người tốt, việc tốt. Và điều quan trọng hơn hết là công tác này cần có cộng đồng trách nhiệm, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương, từ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, góp phần hình thành văn hóa, nếp sống văn minh từ việc đẩy lùi những biểu hiện thiếu lành mạnh trong văn hóa ứng xử.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
- Chúng ta phải làm gì để văn hóa ứng xử thật sự là biểu hiện đẹp của văn hóa Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
- Có nhiều điều phải làm ngay, càng sớm càng tốt để văn hóa trở thành mục tiêu, động lực, hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tiên, chúng ta nên triển khai thật tốt những hướng dẫn ứng xử đã được Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương ban hành. Cũng có ý kiến cho rằng, một số nguyên tắc chưa thể phù hợp ngay với thực tiễn cuộc sống, nhưng tôi tin rằng, trong quá trình triển khai, chúng ta sẽ có cách điều chỉnh phù hợp hơn. Với vai trò và vị trí của mình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tích cực và là một trong những cơ quan tiên phong, chủ động triển khai nội dung này.
Thứ hai, công tác tuyên truyền cần phải thực hiện thật tốt để từ nhận thức của người dân sẽ biến thành hành động đẹp trong thực tế. Các quy tắc ứng xử cần trở thành hành động ưu tiên trong giáo dục ở tất cả các môi trường xã hội, cũng như hiện diện ở tất cả mọi nơi, ở những vị trí dễ thấy nhất. Các chương trình tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, hấp dẫn, thông qua những tấm gương, trường hợp rất cụ thể, để người dân tích cực tôn vinh cái đẹp, lên án cái xấu trong ứng xử. Một giải thưởng báo chí hằng năm trong việc tôn vinh văn hóa ứng xử cũng là một giải pháp tốt trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, tăng cường các chế tài và hình thức xử phạt để mang tính làm gương. Singapore là một ví dụ thú vị cho chúng ta thấy hiệu quả của việc xử phạt những hành vi không đúng đắn ở nơi công cộng và trên thực tế, chúng ta cũng có thể nghiên cứu, áp dụng một cách phù hợp ở Việt Nam.
- Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là một trong nhiều giải pháp mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề ra, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả bước đầu trong việc triển khai thí điểm nội dung này ở một số địa phương?
- Sau khi ban hành Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 8-12-2017 về việc thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức lấy ý kiến các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động thí điểm bộ tiêu chí trong năm 2019-2020. Đến nay, bộ tiêu chí đã được thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng văn hóa trên cả nước, tập trung vào công tác tuyên truyền nội dung, chú trọng truyền thông cộng đồng hướng tới các thành viên gia đình, các hộ gia đình.
Dự kiến sau tập huấn công tác gia đình vào tháng 5-2019, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền trong tháng 6 (nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6) vận động các gia đình đăng ký thực hiện bộ tiêu chí và sẽ có đánh giá sơ kỳ vào cuối năm 2019, tổng kết vào cuối năm 2020.
- Hà Nội là Thủ đô văn hiến; người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch, văn minh. Làm thế nào để văn hóa ứng xử của người Hà Nội thật sự là biểu trưng cho cả nước, thưa Bộ trưởng?
- Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, vì vậy, việc xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch không chỉ là mong muốn riêng của Hà Nội mà còn là mong muốn chung của người dân cả nước. Tuy nhiên, Hà Nội với đặc trưng một đô thị lớn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng văn hóa ứng xử do tính đa dạng trong thành phần cư dân, đô thị phát triển nhanh, dẫn đến cơ sở hạ tầng gặp nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề tác động đến văn hóa ứng xử của người dân.
Chúng tôi cho rằng, việc thực hiện thật tốt các quy tắc ứng xử đã được ban hành sẽ giúp văn hóa Thủ đô phát triển. Tất nhiên, việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương. Việc tuyên truyền, thực hiện cũng cần được duy trì thường xuyên, liên tục, đi vào thực chất.
- Vậy theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, hệ thống truyền thông cần phải làm gì để góp phần cùng các cơ quan quản lý bài trừ cái xấu, lan tỏa những nét đẹp ứng xử trong đời sống xã hội?
- Các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng văn hóa ứng xử, bài trừ cái xấu, lan tỏa cái đẹp trong đời sống xã hội. Đã có nhiều cơ quan truyền thông chú trọng tuyên truyền nội dung này với cách triển khai các tác phẩm một cách gần gũi, sinh động, thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng. Mong rằng, trong thời gian tới điều này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông từ trung ương tới địa phương, thể hiện qua các loạt bài chuyên sâu, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử nói riêng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Tháng 3-2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch truyền thông về gương người tốt, việc tốt đến năm 2020; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử…, đồng thời có kế hoạch tổ chức giải báo chí liên quan đến hoạt động truyền thông này để tạo điều kiện cho các nhà báo tập trung hơn nữa vào một mảng quan trọng của cuộc sống. Chúng tôi mong rằng sẽ có sự tham gia của các cơ quan báo chí như Báo Hànộimới với mục đích lan tỏa các thông điệp tích cực của cuộc sống, lên án những cái xấu trong xã hội.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!