Việc mỗi ngày, việc của mọi nhà
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:33, 31/03/2019
Thông qua hoạt động sống, làm việc, học tập, trong mối giao tiếp với các thành viên khác của cộng đồng, mỗi người đều có thể tiếp nhận bài học về ứng xử, tự nhận thấy hành vi của mình là đúng đắn, phù hợp với chuẩn mực chung hay không, để từ đó có sự điều chỉnh. Bởi vậy, với vấn nạn chen lấn, xô đẩy, thói quen muốn “ngoi” lên trước thay vì xếp hàng đợi đến lượt mình hay nói tục, chửi thề, xả rác bừa bãi… dễ thấy hiện nay, ai cũng có thể nhận ra đó là thói quen xấu, không thể chấp nhận.
Gần đây, khi bàn về phát triển văn hóa - xã hội nói chung, lãnh đạo Chính phủ và chính quyền các địa phương thường xuyên đề cập tới mục tiêu, giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa, và lưu ý việc thực hiện giải pháp phải bắt đầu từ những chuyện tưởng chừng là nhỏ, những điều diễn ra hằng ngày mà ai cũng có thể nhận ra. Tại phiên họp triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, diễn ra vào ngày 22-2 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu rất cụ thể: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan phát động phong trào giáo dục văn hóa trong nhà trường, quy tắc ứng xử văn minh cho học sinh, sinh viên, như xếp hàng, tập thể dục thể thao, ý thức tham gia giao thông, bỏ rác đúng nơi quy định…, từ đó nhân rộng ra toàn xã hội”. Cũng với tinh thần không coi thường “việc nhỏ”, hướng vào những việc hằng ngày, những việc cần làm ngay, các bộ, ngành, địa phương đã cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp lớn bằng các văn bản, quy định phù hợp. Như tại Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành quy tắc ứng xử tại nơi công cộng và trong công sở với những điều khoản rất cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, liên quan trực tiếp tới nền nếp công vụ, nếp sống, cách ứng xử hằng ngày của cán bộ, công chức và nhân dân…
Những hiện tượng, vấn đề được nêu ra ở trên, về cơ bản đều dễ hiểu, ai cũng biết nhưng lại không dễ sửa chữa nếu mỗi người không nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân góp phần xây dựng một xã hội văn minh, đô thị xanh - sạch - đẹp, vì quyền lợi của chính mình và vì tương lai của những thế hệ tiếp sau. Thói quen xấu, hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực chung không dễ được điều chỉnh hoặc loại bỏ nếu mỗi cá nhân, mỗi gia đình còn coi đó là việc nhỏ, là việc của “ai đó”, bộ, ngành, chính quyền địa phương nào đó chứ không phải việc của mình.
Nhận thức hạn chế là nguyên nhân hàng đầu khiến cho công tác xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa chưa thu được hiệu quả cần thiết, cần phải được tập trung tháo gỡ. Giải pháp không phải cao siêu gì, trước hết là tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn minh ở từng địa bàn, trong nhà trường, khu dân cư. Phương châm đề ra là tuyên truyền thường xuyên, liên tục, “mưa dầm thấm lâu”, hướng vào những biểu hiện, thói quen hằng ngày cần phải điều chỉnh. Tham gia tuyên truyền không chỉ có các cơ quan báo chí, mà cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, từng khu dân cư. Bài học tốt về ứng xử, những biểu hiện lệch lạc hằng ngày cần phải được nêu ra trước cộng đồng, thông qua các tổ trưởng dân phố, ban quản trị khu chung cư cũng như chính quyền, đoàn thể các phường, xã, thị trấn… Sự vào cuộc kiên quyết, bền bỉ, trách nhiệm sẽ giúp lan tỏa gương tốt, khiến những ai vẫn muốn duy trì thói quen ngoài khuôn khổ, chuẩn mực phải cảm thấy xấu hổ, từ đó căn chỉnh hành vi hằng ngày.