Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019: Sẵn sàng cho ngày hội về nguồn

Văn hóa - Ngày đăng : 06:53, 31/03/2019

(HNM) - Trùng tu, tôn tạo cơ sở hạ tầng; rà soát, bổ sung biển bảng chỉ dẫn; quy hoạch gọn gàng hàng quán, dịch vụ; đổi mới, tăng cường hoạt động giao lưu, quảng bá nghệ thuật...

Lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại Lễ hội Đền Hùng.


Bảo đảm “5 không”

Dễ nhận thấy nhất tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong những ngày này là bầu không khí tấp nập, khẩn trương chuẩn bị cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019. Rất nhiều hạng mục công trình như: Trục sân hành lễ, bãi đỗ xe trung tâm, hệ thống chòi nghỉ chân cho du khách… đã được trùng tu, tôn tạo, xây mới, bảo đảm cảnh quan đẹp mắt, tạo nhiều thuận lợi cho đồng bào về hành hương, trẩy hội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 Hồ Đại Dũng cho biết: Hệ thống đường giao thông tại khu vực ngã năm đền Giếng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được cải tạo; các nút giao thông được mở rộng, góp phần giảm tải ùn tắc cục bộ khi lượng khách tăng cao. Hệ thống ki ốt bán hàng cũng đã được tổ chức lại theo thiết kế mới, đồng bộ, gọn gàng và phù hợp với cảnh quan không gian lễ hội hơn.

Với những thành công từ các mùa lễ hội trước, năm nay, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 tiếp tục tăng cường an ninh trật tự, bảo đảm “5 không”: Không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm và không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Để thực hiện tốt điều này, hơn 1.000 chiến sĩ cảnh sát được huy động, túc trực thường xuyên trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, chủ động ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cũng như các quy định của Ban Tổ chức. Ngoài ra, còn có lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ phân luồng giao thông, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.

“Số điện thoại đường dây nóng của Ban Tổ chức đã được công bố tại nhiều điểm trong khu vực lễ hội; 100% hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa kinh doanh, không tăng giá, chèo kéo, ép khách; việc dự tính, dự báo các tình huống có thể phát sinh để có biện pháp xử lý kịp thời cũng đã được thực hiện...”, ông Hồ Đại Dũng cho biết thêm.

Nhiều hoạt động đậm đà bản sắc

Du khách về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018. Ảnh: Sơn Hà


Chỉ còn ít ngày nữa, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 sẽ chính thức khai mạc tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là dịp mỗi người dân đất Việt tỏ lòng hiếu kính tới các bậc tiền nhân đã có công khai sơn, trị thủy, gìn giữ sơn hà, đồng thời cùng hòa mình vào không gian văn hóa, lịch sử kỳ vĩ với bao truyền thuyết, huyền tích thấm đẫm qua khối di sản vô giá đang hiện hữu trên mảnh đất này.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 sẽ được tổ chức chính thức trong 3 ngày, từ ngày 12 đến 14-4 (từ mùng 8 đến 10 tháng Ba năm Kỷ Hợi) với các nghi thức đã trở thành truyền thống như: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân - Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng… Cùng với đó, không gian lễ hội sẽ được trải rộng từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì, với rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đó là, lễ hội văn hóa dân gian đường phố; Hội trại văn hóa các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh Phú Thọ; liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ; trưng bày hiện vật khảo cổ học về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hội sách đất Tổ; trình diễn đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân, múa rối nước; Hội thi gói bánh chưng; không gian trò chơi dân gian với các môn đẩy gậy, bắn nỏ, đấu vật; trưng bày, quảng bá sản vật địa phương…

Đặc biệt, lần đầu tiên tại Lễ hội Đền Hùng sẽ diễn ra Hội hát giao lưu tại khu vực ngã năm đền Giếng và hồ Mai An Tiêm, Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hoa, cây cảnh tại thành phố Việt Trì; biểu diễn văn nghệ trong 3 đêm lễ hội tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 cũng là dịp để nhân dân Phú Thọ giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hát Xoan tới đồng bào cả nước. Hội Xoan năm nay sẽ tiếp tục được tổ chức ở nhiều điểm, từ di tích được cho là nơi khởi phát làn điệu Xoan nổi tiếng (miếu Lãi Lèn, phường Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) đến không gian lễ hội dân gian đường phố, hứa hẹn mang đến cảm nhận sâu sắc về một loại hình di sản đặc biệt của vùng đất Tổ. Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Nguyễn Duy Anh nhấn mạnh: “Các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Đền Hùng, không chỉ là minh chứng cho sự giàu có về bản sắc văn hóa của vùng đất Tổ, mà còn giúp đồng bào thêm tự hào về nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng, tìm thấy ở đó những gốc rễ bền chặt, góp phần làm nên giá trị trường tồn cho nền tảng văn hóa dân tộc”.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp người dân cả nước thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức, quản lý lễ hội, tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng chào đón đồng bào và du khách thập phương về với vùng đất cội nguồn.

Nguyễn Thanh