Nhận diện bệnh “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:04, 01/04/2019
1. “Đoàn kết xuôi chiều” là căn bệnh đáng báo động trong một số cán bộ, đảng viên hiện nay. Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị và tổ chức Đảng đã đổi mới lề lối, phong cách làm việc theo hướng khoa học, sát thực tế, duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, tình trạng “đoàn kết xuôi chiều” vẫn diễn ra khá phổ biến.
Đó là trong sinh hoạt, một số cấp ủy, tổ chức Đảng thường có biểu hiện xuôi chiều, phụ họa theo ý kiến của người đứng đầu, ngại thể hiện chính kiến, sợ mất lòng, sợ va chạm, sợ bị đánh giá là không ủng hộ cấp trên; một số vụ việc thiếu dân chủ, chưa bàn bạc thống nhất, quyết định... Từ đó dễ dàng nảy sinh các hiện tượng như: Chạy theo thành tích, thiếu thống nhất, mất đoàn kết nội bộ, tiềm ẩn hình thành nhóm lợi ích, tác động tiêu cực đến tư tưởng và tâm lý xã hội, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Như chúng ta đã biết, đoàn kết là vấn đề sống còn của cách mạng, là cơ sở để củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc. Bệnh “đoàn kết xuôi chiều” sẽ dẫn tới dân chủ hình thức, và làm suy yếu sức mạnh vô song của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đáng lưu ý, khác với "dân chủ giả hiệu" là sự lừa dối có chủ ý; thì “dân chủ hình thức” dễ mang bộ mặt "vô tội" hơn, không có địa chỉ cụ thể nên dễ được chấp nhận, hoặc nếu không muốn chấp nhận cũng khó chống lại.
“Dân chủ hình thức” thường có các biểu hiện: Lấy ý kiến biểu quyết của quần chúng đối với những nội dung không quan trọng, khéo léo giành quyền quyết định những việc quan trọng cho thiểu số hoặc cho cá nhân; tổ chức lấy ý kiến quần chúng rộng rãi, nhưng việc tập hợp và báo cáo tổng hợp ý kiến không đầy đủ, không trung thực hoặc loại bỏ những ý kiến quan trọng nhưng trái với định kiến của lãnh đạo hoặc của cơ quan soạn thảo. Hoặc là tổ chức đại hội rất trang trọng, các đại biểu được chọn đọc "tham luận" biết giữ gìn "lời ăn tiếng nói"; không biết, làm như không biết, không dám đề cập đến những vấn đề bức xúc của tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân tại địa phương, đơn vị…
Một biểu hiện nổi bật của bệnh “dân chủ hình thức” là trong công tác cán bộ. Khi bàn đến công tác cán bộ, nhiều thành viên ỷ lại vào cơ quan, tổ chức và thường trực, ban thường vụ cấp ủy, thiếu thông tin về nhân sự đưa ra bàn bạc, e ngại phát biểu chính kiến, nhất là đối với những nhân sự có quan hệ thân thích (vợ, con, anh, em, bạn bè, đồng hương, đồng môn…) với người đứng đầu và những người đang hoặc sẽ nắm giữ quyền lực chi phối các quyết định của tập thể; sợ mất lòng, sợ bị đánh giá là không ủng hộ. Với tâm lý “im lặng là vàng” nên dễ dàng chấp nhận đề bạt, bổ nhiệm cả những cán bộ còn thiếu tiêu chuẩn, tín nhiệm thấp. Thời gian gần đây, một số địa phương, đơn vị đề bạt, bổ nhiệm vợ con, người thân trong dòng họ không đủ tiêu chuẩn vào chức danh lãnh đạo, quản lý, hoặc thăng tiến quá nhanh, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Như vậy, “dân chủ hình thức” thực chất là mất dân chủ nhưng biểu hiện tinh vi, phức tạp, được ẩn dưới vỏ bọc “đúng quy trình”, “đúng quy chế” nên khó phát hiện. Mất dân chủ hoặc “dân chủ hình thức” trong công tác cán bộ đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Không những bản thân cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm khó khăn, lúng túng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, mà nguy hại hơn là làm nản lòng những cán bộ có đủ tài, đức; là môi trường dễ nảy sinh sự thiếu thống nhất, mất đoàn kết trong nội bộ, tiềm ẩn mầm mống hình thành các “nhóm lợi ích”, tác động không nhỏ đến tư tưởng và tâm lý xã hội, xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
2. Từ thực tiễn đó, việc khắc phục bệnh “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức” là một trong những việc cần làm ngay. Để thực hiện hiệu quả, chúng ta cần làm tốt một số giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy đảng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao năng lực làm chủ và ý thức trách nhiệm đối với mọi hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng mà mình sinh hoạt; tích cực đóng góp ý kiến, cùng tập thể xây dựng nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức Đảng, tránh tư tưởng bàng quan, vô cảm, xuôi chiều, chiếu lệ trong sinh hoạt Đảng.
Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng cần đề cao trách nhiệm nêu gương, thực hiện nghiêm quy chế làm việc; thật sự dân chủ trong phân công công tác, chủ trì các cuộc họp, lắng nghe và tôn trọng ý kiến các thành viên, kể cả những ý kiến trái chiều. Khuyến khích thảo luận, tranh luận thẳng thắn, xây dựng; khuyến khích tự phê bình và phê bình, tiếp thu những ý kiến đúng đắn một cách cầu thị; không hách dịch, áp đặt ý kiến cá nhân; tránh trù dập người có ý kiến khác. Làm được như vậy sẽ ngăn chặn được bệnh “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức” diễn ra phổ biến hiện nay.
Hai là, công khai, minh bạch công tác tổ chức, cán bộ là biện pháp quan trọng để phòng ngừa “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”. Để các nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức Đảng thật sự khách quan, thể hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thiết nghĩ cần thực hiện biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín tất cả các khâu trong công tác cán bộ.
Nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy hoặc đề bạt, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý cần lấy ý kiến tập thể cán bộ, đảng viên, công chức nơi công tác (bằng phiếu kín) và ý kiến của tập thể cấp ủy (có sự tham gia của người đứng đầu tổ chức Đảng) nơi cư trú. Ủy ban Kiểm tra phối hợp với Ban Tổ chức thẩm định hồ sơ nhân sự và quy trình công tác cán bộ đối với từng trường hợp, chịu trách nhiệm trước cấp ủy về tính trung thực của hồ sơ, bảo đảm nhân sự dự kiến đủ tiêu chuẩn để đề bạt, bổ nhiệm.
Ba là, những năm gần đây, Đảng ta đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giữ vững sự đoàn kết thống nhất và phát huy dân chủ trong tổ chức Đảng và trong các cơ quan, đơn vị. Đoàn kết thống nhất trong cán bộ lãnh đạo ở cấp càng cao thì tác động, ảnh hưởng đối với Đảng càng mạnh, sức lan tỏa ra xã hội càng lớn. Ngược lại, nếu những người nắm trọng trách lãnh đạo, nhất là ở cấp cao nếu không có ý thức đoàn kết thống nhất thì không những gây nguy hại mà còn tạo ra những nguy cơ lớn, khó lường cho toàn Đảng.
Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi, chính người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên và cấp mình về sự đoàn kết thống nhất nội bộ lại chưa thực sự gương mẫu, chưa thấm nhuần ý thức xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ, mắc bệnh “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”.
Chính vì vậy, việc lựa chọn người đứng đầu có đủ phẩm chất năng lực, có vai trò tiên phong gương mẫu là rất quan trọng, bởi họ phải thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức Đảng, của tập thể cơ quan, đơn vị, là người trực tiếp góp phần vào thành công của công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đặc biệt là bệnh “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”.