Phòng bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:38, 02/04/2019
Thông thường, dịch bệnh sốt xuất huyết xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm và đỉnh dịch rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, mới đầu tháng 4, trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy |
Tuần qua, cả nước ghi nhận 2.209 trường hợp mắc sốt xuất huyết, đưa số ca mắc bệnh này từ đầu năm đến nay lên 47.083 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 3,7 lần.
Trong đó, riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay có 154 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Bệnh nhân phân bố tại 99 xã, phường thuộc 27/30 quận, huyện.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, bệnh sốt xuất huyết do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Bệnh có biểu hiện điển hình như: Sốt cao đột ngột, liên tục trong 2-7 ngày; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; da xung huyết, phát ban. Biểu hiện xuất huyết có thể ở nhiều mức độ khác nhau như: Chấm hoặc mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Vì thế, “khi có các dấu hiệu bệnh như trên, tốt nhất người dân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà”, ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo.
Điều đáng nói, bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, “bệnh có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Do đó, việc phòng bệnh sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhấn mạnh.
Thời gian qua, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cùng ngành Y tế đã tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết như tổng vệ sinh môi trường; diệt lăng quăng/bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành và chính quyền, mỗi cá nhân, gia đình cần nâng cao ý thức phòng bệnh.
Ông Khổng Minh Tuấn cho hay, cách phòng bệnh sốt xuất huyết duy nhất là không để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển và đốt người.
Theo đó, để phòng bệnh, người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng các cách như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (thùng, chậu…) hằng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng bát; thay nước lọ hoa.
Cùng với đó, người dân tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Để phòng muỗi đốt, người dân cần mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn, kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
Nếu không may bị sốt xuất huyết, cùng với điều trị tích cực, người bệnh cần nằm trong màn nhằm tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác.