Những sân bay hiện đại nhất thế giới năm 2019
Du lịch - Ngày đăng : 17:50, 03/04/2019
Sân bay quốc tế Ilan & Asaf Ramon (Israel) tọa lạc giữa sa mạc hùng vĩ, cách thành phố cực Nam Eilat 18 km là tác phẩm tâm huyết của hai hãng kiến trúc Amir Mann-Ami Shinar và Moshe Zur. Sân bay rộng hơn 500 ha với tổng chi phí xây dựng 473,5 triệu USD được đặt theo tên của Illan Ramon, phi hành gia đầu tiên của Israel và con trai ông Assaf Ramon, thành viên lực lượng không quân nước này. Ảnh: CNN
Ilan & Asaf Ramon sở hữu lối kiến trúc tối giản độc đáo với các tấm kính trắng hướng đến bản chất tương lai của du lịch hàng không, cùng một số công trình mô phỏng những dãy đá tại Công viên quốc gia Timna tạo sự hòa hợp với cảnh quan vùng sa mạc. Sân bay đi vào hoạt động từ cuối tháng 1-2019, dự kiến đón khoảng 2 triệu khách, tăng lên 4,5 triệu khách mỗi năm. Ảnh: CNN
Sân bay Changi (Singapore) là cảng hàng không nổi tiếng nhất đảo quốc sư tử vừa được Skytrax vinh danh là sân bay tốt nhất thế giới năm 2019. Một trong những công trình nổi bật nhất của sân bay là khu tổ hợp trung tâm Jewel Changi trị giá gần 1,25 tỷ USD trên diện tích 130.000 m2, với khu vườn xanh mướt và thác nước trong nhà cao nhất thế giới (khoảng 40 m). Ảnh: CNN
Jewel Changi chia thành 10 tầng, kết nối 3 trong 4 nhà ga hiện tại của sân bay Changi, gồm một khách sạn sang trọng, khu vui chơi giải trí, hơn 200 cửa hàng mua sắm đến từ các thương hiệu địa phương và quốc tế, cùng hệ thống nhà hàng phục vụ ăn uống. Khu tổ hợp sẽ đi vào hoạt động ngày 17-4 tới. Ảnh: CNN
Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dự kiến đi vào hoạt động chính thức từ cuối tháng 10-2019 sau nhiều lần trì hoãn. Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại sử dụng sân bay này nhưng sẽ chuyển khoảng 70 đến 80% chuyến bay sang một sân bay khác vào ngày 6-4 tới. Ảnh: CNN
Tháp điều khiển hình bông hoa tu-lip là công trình nổi bật nhất của sân bay Istanbul, từng giành giải Nhất hạng mục "Những dự án tương lai - Cơ sở hạ tầng" tại Lễ hội kiến trúc thế giới diễn ra ở Berlin (Đức) năm 2016. Sân bay dự kiến vận chuyển khoảng 200.000 khách mỗi ngày khi đi vào hoạt động. Ảnh: CNN
Sân bay Carlisle Lake District (Anh) nằm gần Công viên quốc gia Lake District với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Carlisle Lake District dự kiến đi vào hoạt động hè năm 2019 với các chuyến bay tới London (Anh), Dublin (Ireland) và Belfast (Bắc Ireland). Hiện hành khách đã có thể đặt các chuyến bay mùa hè do hãng hàng không Loganair của Scotland vận hành. Ảnh: Twitter
Sân bay Murcia-Corvera (Tây Ban Nha) đi vào hoạt động tháng 1-2019 và đã tiếp nhận các chuyến bay thương mại. Trung tâm trung chuyển hàng không trị giá khoảng 561 triệu USD nằm giữa hai thành phố Murcia và Cartagena, kết nối với hệ thống đường cao tốc và các khu nghỉ dưỡng gần kề. Ảnh: Beniconnect
Sân bay Bắc Kinh Đại Hưng (Bắc Kinh, Trung Quốc) dự kiến trở thành cảng hàng không lớn nhất và bận rộn nhất thế giới khi đi vào hoạt động. Hệ thống tàu và đường cao tốc hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Sân bay dự kiến vận chuyển khoảng 100 triệu khách mỗi năm. Ảnh: CNN