Thước đo nỗ lực của sinh viên
Giáo dục - Ngày đăng : 08:12, 03/04/2019
Theo “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương Bùi Thị Khánh Linh (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), để có được danh hiệu này, mỗi sinh viên phải đạt được 5 tiêu chí: Học tập tốt, Đạo đức tốt, Thể lực tốt, Tình nguyện tốt, Hội nhập tốt và phải phấn đấu liên tục để nâng dần các danh hiệu ấy, từ cấp trường, cấp tỉnh - thành đến cấp trung ương. “Đó là cả quá trình tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu và hoàn thiện. Khi hoàn thành mỗi tiêu chí, bản thân sinh viên cũng tự trang bị thêm những kỹ năng cần thiết” - Bùi Thị Khánh Linh cho biết.
Với ý nghĩa ấy, thời gian qua, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cố gắng, phấn đấu liên tục để nâng dần danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” từ cấp trường, cấp tỉnh - thành, rồi lên cấp cao nhất là cấp trung ương. Nhiều sinh viên cho rằng, học tập tốt là tiêu chí khó đạt nhất, vì đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm hơn cả. Nhưng đối với “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương Phạm Văn Hạnh (Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng: “Chúng ta không chỉ dành 100% thời gian cho học tập, mà cần phải hướng tới, phát triển toàn diện, nhất là kỹ năng sống, kỹ năng tham gia công tác xã hội. Khi tham gia các hoạt động cộng đồng khác, em thấy cuộc sống đẹp hơn rất nhiều. Em sẽ tiếp tục cố gắng, chăm chỉ học tập; tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện và đề xuất thêm ý tưởng hay cho sự phát triển của phong trào, để ngày càng có nhiều bạn đạt danh hiệu này”.
Phong trào “Sinh viên 5 tốt” đã tạo môi trường để sinh viên khẳng định và phát triển toàn diện, đồng thời trở thành thương hiệu, giúp sinh viên có công việc tốt ngay sau khi ra trường. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là đơn vị có số lượng “sinh viên 5 tốt” cấp trung ương thuộc diện cao nhất cả nước năm học 2017-2018, trong đó có 7 em đạt danh hiệu cấp trung ương và 28 em đạt danh hiệu cấp thành phố. Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển phong trào, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Đoàn Hùng Anh cho biết: “Ban Giám hiệu nhà trường đã đưa phong trào “Sinh viên 5 tốt” vào một trong các tiêu chí để xét thưởng học bổng và các thành tích cho sinh viên. Nhiều cơ sở tuyển giáo viên cũng đề cao vị trí của sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, vì vậy, sinh viên đạt danh hiệu ra trường có việc làm ngay. Qua đó giúp các bạn nhận thấy sự thiết thực của phong trào, khuyến khích họ phấn đấu hướng tới trở thành một sinh viên toàn diện”.
Thời gian qua, Hội Sinh viên các cấp đã hỗ trợ, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận, đạt được những tiêu chí của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Báo cáo kết quả nhiệm kỳ 2013-2018 của Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt”, toàn thành phố có 72 em đạt danh hiệu cấp trung ương, 839 em đạt danh hiệu cấp thành phố, 11.535 em đạt danh hiệu cấp trường. Tuy nhiên, để được vinh danh thì quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết: Trong nhiệm kỳ 2018-2023, phong trào "Sinh viên 5 tốt" sẽ được thực hiện sâu rộng với các chỉ tiêu: 150 “sinh viên 5 tốt” cấp trung ương; 1.200 “sinh viên 5 tốt” cấp thành phố; 20.000 “sinh viên 5 tốt” cấp trường. Đồng thời, để xây dựng thêm nhiều sinh viên toàn diện, Hội sẽ tiếp tục triển khai các phong trào, xây dựng nhiều mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm, tạo môi trường thuận lợi giúp sinh viên có điều kiện hoàn thiện các tiêu chí cũng như rèn luyện bản thân. Từ đó, mỗi “sinh viên 5 tốt” sau khi ra trường sẽ trở thành những nhân tố tích cực, đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.