Tăng phối hợp, rõ trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 04/04/2019

(HNM) - Từ lâu, khai thác cát, sỏi trái phép vẫn là nỗi nhức nhối không chỉ của người dân mà cả các cấp chính quyền. Thật xót xa khi những bờ xôi ruộng mật, những gian nhà mới xây dựng theo vòi “bạch tuộc” trôi bể, trôi sông. Đáng nói, sự tan hoang đó không phải hoàn toàn do thiên tai, mà còn do sự buông lỏng quản lý từ phía cơ quan chức năng...


Khai thác cát, sỏi trái phép có muôn hình vạn trạng. Do lợi nhuận khổng lồ, không ít cá nhân, tổ chức núp dưới danh nghĩa dự án được cấp phép để khai thác vượt phạm vi cho phép. Bất chấp pháp luật và sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân, “cát tặc” vẫn lộng hành. Thậm chí, đối tượng vi phạm còn đe dọa những người dân tố cáo nạn "cát tặc" với cơ quan chức năng...

Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng nêu muôn vàn khó khăn trong xử lý vi phạm khai thác khoáng sản. Có những khó khăn có lý khi nhiều văn bản pháp luật chưa đầy đủ, còn tạo kẽ hở để lọt tội phạm... Song, cũng có lý do cũ, luôn được nhiều cấp chính quyền viện dẫn như “lực lượng mỏng”, “vi phạm ở vùng giáp ranh”, “công chức làm ngày, cát tặc làm đêm”... Điều này dẫn đến, vi phạm nhiều nhưng không xử lý được bao nhiêu...

Là địa phương có tới 15 tuyến sông lớn, nhỏ đi qua với chiều dài hàng trăm ki lô mét, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố Hà Nội khá phức tạp. Song, trên tinh thần những kế hoạch kiểm tra, xử lý mang tính liên hoàn; ra quân đồng loạt, đánh chặn toàn tuyến nên trong năm 2018, nhiều tàu hút cát đã bị bắt giữ. Trước đó, năm 2016, Công an thành phố Hà Nội cũng đã ký Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trên lĩnh vực đường thủy nội địa với công an 8 tỉnh giáp ranh...

Song, chỉ một tỉnh, thành phố nỗ lực là chưa đủ. Hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản đã có; bộ máy cơ quan công quyền để thực thi cũng khá đầy đủ. Vì thế, việc đẩy lùi được “cát tặc” hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan chức năng. Đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép, không cách nào khác là phải hóa giải ngay những khó khăn nêu trên đi kèm với việc phân định rõ trách nhiệm, rõ việc trong từng cấp, từng ngành, từng đơn vị.

Các cơ quan chức năng cần ban hành cho được quy định để bịt những kẽ hở trong xử lý đã được nêu rõ. Các điều luật được sửa đổi, bổ sung phải rõ định tính, định lượng, với sự cụ thể, chi tiết. Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông phải sớm được hoàn thiện để việc quản lý thực hiện đồng nhất trên cả nước. Ngoài ra, việc tìm giải pháp về vật liệu thay thế cát, sỏi cũng phải được đẩy mạnh nhằm giảm bớt khó khăn trong xây dựng công trình...

Để không còn khoảng trống trong xử lý ở vùng giáp ranh thì giữa các bộ, ngành với các địa phương và giữa các tỉnh, thành giáp ranh phải thiết lập được quy chế phối hợp với sự phân định rõ trách nhiệm. UBND cấp tỉnh trước khi phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi phải lấy ý kiến các tỉnh, thành phố chung địa giới hành chính và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cùng với đó, việc cho phép khai thác cát, sỏi; quy hoạch bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng dọc các con sông cần bảo đảm sự thống nhất trên toàn tuyến.

Đấu tranh hiệu quả với những “vòi bạch tuộc” này, các địa phương cần khuyến khích người dân trở thành “tai mắt” của mình. Ngược lại, cơ quan chức năng cũng phải có biện pháp bảo vệ, tuyệt đối không để người dân đơn độc. Và để thêm niềm tin trong nhân dân, mọi vụ khai thác cát trái phép đều phải truy được nguyên nhân, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm.

Chỉ khi việc phối hợp được chặt chẽ, toàn diện, trách nhiệm rõ ở từng khâu... thì hoạt động khai thác khoáng sản mới đi vào trật tự.

Minh Thúy