Chủ đàn chó tấn công khiến bé trai tử vong sẽ bị xử lý vì những lỗi gì?
Đời sống - Ngày đăng : 15:53, 04/04/2019
| ||
Ông Nguyễn Văn Long cho biết, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "Quy định về phòng, chống dịch động vật trên cạn" đã quy định rõ người nuôi chó phải có trách nhiệm đăng ký với chính quyền cấp xã và thực hiện nhiều cam kết như: phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Trường hợp nuôi chó tập trung, người nuôi phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh. Chủ nuôi chó phải chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó theo quy định. Chủ nuôi cũng chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.
Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Với trường hợp bé trai 7 tuổi (ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đã tử vong sau khi bị cả đàn chó tấn công, ông Long phân tích, trước hết chủ nuôi chó phải chịu xử phạt hành chính về hành vi vi phạm không đeo rọ mõm cho vật nuôi với mức phạt từ 600.000 - 800.000 đồng/con chó. Ngoài ra, chủ chó cũng sẽ tiếp tục bị xử phạt trong trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn chó.
"Nguy hiểm hơn là trong trường hợp này, đàn chó đã tấn công, làm thiệt mạng con người nên việc xử lý chủ chó sẽ theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong trường hợp đặc biệt, có thể xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chủ này" - ông Long nêu.
Ông Long khẳng định, các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người nuôi chó là đầy đủ, rõ ràng và cụ thể nhưng việc tổ chức thực hiện của chính quyền cấp xã và người nuôi chó chưa nghiêm túc. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện tốt. Do đó, nhiều chủ nuôi chó chưa nhận thức đầy đủ, thiếu trách nhiệm với những người xung quanh, với bản thân và vật nuôi của mình.
Thời gian tới đây, Cục Thú y sẽ tổ chức đánh giá công tác triển khai phòng chống bệnh dại, trong đó có nội dung quản lý đàn chó.
Cục sẽ yêu cầu từng cấp đánh giá thực trạng triển khai các quy định pháp luật ở lĩnh vực này và trong một số tình huống cụ thể đã xảy ra, các cơ sở đã xử lý quyết liệt và đúng quy định hay chưa. Trên cơ sở đó, Cục sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định, tránh những vụ việc nghiêm trọng xảy ra.
Chủ đàn chó có thể bị phạt tù tới 5 năm
Phân tích sâu thêm về các mức xử phạt đối với trường hợp trên, luật sư Lê Hằng, Công ty luật TAT Law firm cho biết, ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, trường hợp để chó không đeo rọ mõm, cắn người gây thương tích tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tích 61% trở lên ở nơi công cộng hoặc gây thiệt hại đến tính mạng thì chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2017.
Theo đó, hình phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, việc súc vật nuôi, đặc biệt là chó, chạy rông không tuân thủ quy định an toàn rọ mõm ở nơi công cộng, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với trường hợp thương tâm ở Hưng Yên. Để xử lý vi phạm đúng đối tượng, cần xác định chủ sở hữu đàn súc vật nói trên để buộc bồi thường trách nhiệm vật chất đối với chủ sở hữu, người đang chiếm hữu đàn chó nói trên, thậm chí là người thứ ba có lỗi để liên đới bồi thường cho gia đình bị hại và buộc các đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.