Hạn chế văn bản “trên trời”: Cần cơ chế ràng buộc trách nhiệm
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:36, 04/04/2019
Để có văn bản pháp luật sát thực tế, cần sự giám sát, góp ý của nhân dân, tổ chức trong quá trình soạn thảo. Ảnh: Thái Hiền |
Từ những văn bản... “trên trời”
Tháng 3-2019, vụ việc một nam giới ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy nhưng chỉ bị xử phạt vì "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức phạt 200.000 đồng, đã gây phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Đặc biệt, điều này khiến không ít người liên tưởng, so sánh với việc trước đó (tháng 11-2018), một công dân tại thành phố Cần Thơ đổi 100 USD tại nơi không được phép thu đổi ngoại tệ, bị phạt tới 90 triệu đồng.
Truy nguyên nguồn gốc của những văn bản nêu trên, có thể thấy mục đích ban hành hoàn toàn “có tình, có lý”, nhằm bảo vệ phụ nữ và cấm buôn bán ngoại tệ bất hợp pháp. Song, việc kiểm soát, góc nhìn về đối tượng tác động không phù hợp, thiếu chi tiết nên việc áp dụng trên thực tế đã gây tác dụng ngược.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), vụ việc sàm sỡ phụ nữ trong thang máy ở quận Thanh Xuân nếu vẫn giữ mức phạt 200.000 đồng hoàn toàn không có tính giáo dục, răn đe. Đồng thời, đây là cơ hội để những kẻ đồi bại nhởn nhơ, coi thường pháp luật.
Gần đây, dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm; quy định về kiểm tra phế liệu nhập khẩu dẫn tới ách tắc tại các cửa khẩu; hay ý kiến về mất bằng lái xe phải thi lại đã khiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng phải thốt lên là "rất dở".
“Không thể không quản lý được thì đưa ra những đề xuất rất buồn cười để dư luận ồn lên, không đáng có” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Hay như trong buổi kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra ngày 1-4, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tiếp tục nhắc nhở các bộ, ngành về nhiều quy định gây bất cập trong sản xuất, kinh doanh nhưng việc sửa đổi rất ì trệ. Đó là, Bộ Y tế xử lý rất chậm việc sửa đổi quy định về sử dụng muối i ốt dùng trong chế biến thực phẩm, dù Tổ công tác đã làm việc với Bộ, Chính phủ đã ban hành nghị quyết yêu cầu sửa đổi từ năm 2016. Hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm sửa Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam, với nội dung dễ gây lầm tưởng lợn không được ăn cây chuối, thỏ không được ăn cà rốt…
Cần nghe nhiều tai, góp ý nhiều chiều
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, luật sư Phạm Hồng Hải - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khẳng định, những ví dụ dư luận phản ứng mạnh mẽ trong thời gian qua chỉ là phần nhỏ trong những vấn đề cần giải quyết. Nhiều trường hợp khác, các bộ, ngành ra quy định yêu cầu doanh nghiệp mất giấy phép kinh doanh phải làm thủ tục tương tự như khi đi xin cấp phép mới. Về bản chất không khác gì “mất bằng lái xe phải thi lại” nhưng do không liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đại bộ phận nhân dân nên không được chú ý. Trong khi, việc quản lý bán hàng qua mạng, các ứng dụng, web xem phim… mới dừng ở mức… làm cho có.
Nguyên nhân của tình trạng này theo ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) là việc tuân thủ quy trình, cơ chế soạn thảo, ban hành văn bản chưa nghiêm chỉnh.
Về giải pháp, theo ông Sơn, căn cơ nhất là rà soát tổng thể hệ thống pháp luật; công tác lấy ý kiến cộng đồng, thẩm định, thẩm tra phải được hoàn thiện hơn, để nghe nhiều tai, góp ý nhiều chiều, với sự giám sát độc lập từ phía người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Song song đó, cần tách bạch giữa bộ phận làm chính sách và bộ phận thực thi chính sách. Bởi nếu vừa trực tiếp thực thi, vừa đồng thời làm chính sách dễ dẫn đến “cài cắm” lợi ích. Ngoài ra, phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm với những tổ chức, cá nhân đưa ra những văn bản pháp quy kém hiệu quả, khả năng thực thi thấp…
Một điểm yếu nữa cần khắc phục, theo luật sư Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Công ty Luật Châu Á, là việc thiếu cụ thể đối với pháp luật, khiến văn bản pháp luật có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy vào sự giải thích của cán bộ thực thi, tạo thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt.
Để tránh tình trạng văn bản không đi vào đời sống, Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3-2019 xác định đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trong đó, Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, với những nội dung “nóng”, có nhiều ý kiến khác nhau, Văn phòng Chính phủ sẽ là cơ quan phối hợp, hỗ trợ để tạo sự thống nhất… Những giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc mới hy vọng có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sát cuộc sống hơn, tránh tình trạng “quy định trên trời” để lại nhiều hệ lụy khôn lường.