Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung

Kinh tế - Ngày đăng : 18:09, 04/04/2019

(HNMO) - Ngày 4-4, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học

Đây là một trong 8 đề tài chuyên đề thuộc Chương trình 20-CTr/TU của Thành ủy về "Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố 2015-2020, định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030".

Quang cảnh hội thảo.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay, Hà Nội đã phê duyệt 29/38 đồ án quy hoạch phân khu, 31/33 đồ án quy hoạch chung; tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo diện tích là 86%. Hà Nội cũng đã triển khai lập quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ. Công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chung được tích cực thực hiện với chất lượng tốt.

Về kết cấu hạ tầng đô thị, diện tích đất dành cho giao thông tăng dần hằng năm, đến nay đạt khoảng 9,38% (năm 2015 đạt 8,65%). Hà Nội đã hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách; mở thêm 26 tuyến xe buýt, nâng tổng số xe buýt nội đô lên 118 tuyến; bảo đảm tỷ lệ chiếu sáng đô thị tối thiểu 95-98%. Công tác phát triển nhà ngày càng được quan tâm. Trong năm 2018, tổng diện tích sàn nhà ở hoàn thành đạt hơn 10,2 triệu m2; diện tích bình quân nhà ở trên đầu người đạt 25,86m2/người. Đặc biệt, Hà Nội đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, tình hình giao thông nội đô được cải thiện, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung...

Công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đạt kết quả tốt, được đánh giá cao, như: Bảo đảm an ninh nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, trồng cây xanh, duy trì vệ sinh môi trường, chiếu sáng, hạ ngầm đường dây cáp đi nổi. Công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch được duy trì. Tình trạng vi phạm quy định quản lý đô thị, trật tự công cộng giảm dần; quản lý trật tự xây dựng, đất đai bước đầu có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đã được chỉ ra, như một số quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt nhưng khi triển khai còn phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội; công tác đổi mới, áp dụng công nghệ cao trong quy hoạch, xây dựng quản lý phát triển đô thị chưa cao, chưa theo kịp xu thế kinh tế số và tri thức số; còn nhiều bất cập trong phân cấp quản lý dẫn đến tình trạng thiếu đầu mối và phân tán; việc xây dựng các công trình hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị...

Đóng góp ý kiến cho đề án, ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, chương trình phát triển đô thị cần chủ động và theo chương trình; bảo đảm hình thành các khu vực đô thị mới đồng bộ, hoàn chỉnh, được tổ chức thực hiện một cách tập trung. Sự đồng bộ ở đây là đồng bộ giữa các dự án, giữa các khu đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đồng bộ trong nội tại khu đô thị (dân cư, hạ tầng).

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, việc phát triển các chuỗi đô thị vệ tinh là hết sức cần thiết, giải quyết các vấn đề của đô thị nội tại.

"Chính phủ, thành phố đã và đang đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng, như BRT, đường sắt trên cao, mạng lưới xe buýt... nhằm từng bước giảm tải cho các tuyến đường nội đô, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Để giải quyết được tình trạng kẹt xe, ùn tắc và phát huy được hiệu quả đầu tư, cần thiết sử dụng biện pháp 'giao thông cưỡng bức' cho giao thông công cộng" - ông Nguyễn Trúc Anh đề xuất.

Yên Khánh