Ưu tiên đầu tư cảng cạn kết nối các cửa khẩu cảng biển lớn

Giao thông - Ngày đăng : 07:14, 03/01/2023

Bộ Giao thông - Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) Việt Nam giai đoạn đến 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, Bộ Giao thông - Vận tải cho hay, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn đến năm 2030 cần khoảng 15,9-18,7 nghìn tỷ đồng.

Cảng nước sâu Gemalink - Dự án cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, cũng là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Ảnh tư liệu: Thống Nhất/TTXVN

Đến năm 2030 sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng thành phố Hồ Chí Minh, Cái Mép - Thị Vải), các cảng cạn gắn với các hành lang vận tải qua biên giới. Đồng thời, ưu tiên đầu tư cảng cạn có vị trí kết nối được với hai phương thức vận tải, các vị trí gắn liền hoặc nằm gần các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, việc triển khai lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn bảo đảm tuân thủ Luật Quy hoạch và là tiền đề để hoạch định các chính sách, giải pháp phát triển cảng cạn một cách đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả đối với khai thác cảng biển và các hoạt động vận tải nói chung.

Tính đến nay, cả nước đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 10 cảng cạn.

Theo TTXVN