Đưa giấc mơ châu Phi thành hiện thực

Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 05/04/2019

(HNM) - Ngày 3-4, Quốc hội Gambia đã phê chuẩn Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), trở thành thành viên thứ 22 phê chuẩn hiệp định này, ngưỡng tối thiểu để AfCFTA có hiệu lực.

Hiệp định AfCFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội để châu Phi xóa đói giảm nghèo.


Cao ủy Thương mại và Công nghiệp của Liên minh châu Phi (AU) Albert Manyanga khẳng định: “Thị trường AfCFTA đã sẵn sàng để hoạt động vào tháng 7 năm nay”. Hiệp định này là một dự án hàng đầu trong Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi, nhằm tự do hóa thương mại nội khối châu Phi, tạo việc làm, xóa bỏ thuế quan và hài hòa các cộng đồng kinh tế khu vực hiện có ở Lục địa đen. Sáng kiến thành lập AfCFTA được AU đưa ra từ năm 2012 tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của AU lần thứ 18. Quá trình đàm phán được khởi động từ năm 2015, trên cơ sở mở rộng Khu vực thương mại tự do ba bên sẵn có giữa Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) và Cộng đồng Đông Phi (EAC) gồm 26 nền kinh tế thành viên.

Tháng 3-2018, 49 trong tổng số 55 nước châu Phi đã ký AfCFTA, với tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội khối lên 52% vào năm 2022 và xóa bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa. Với thỏa thuận này, châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ bao gồm một thị trường 1,2 tỷ dân tại 55 quốc gia với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 2,5 nghìn tỷ USD. Với thị trường tiêu dùng được dự đoán có tổng trị giá 6,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030, sự tăng trưởng trên sẽ đóng góp không nhỏ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân châu Phi. AU cho biết, hiệp định sẽ cắt giảm thuế xuất khẩu hiện ở mức trung bình 6,1% và thúc đẩy thương mại nội địa châu Phi tăng hơn 52% sau khi thuế nhập khẩu được loại bỏ, cùng với đó tăng cường cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thị trường trong khu vực.

Ở một khía cạnh khác, việc thành lập AfCFTA sẽ trở thành sợi dây liên kết các nước châu Phi thành một khối thống nhất với hệ thống quy tắc, luật chơi chung về thương mại đầu tư, đồng thời biến châu Phi thành một “cực” trong thương mại toàn cầu. AfCFTA sẽ giúp các lãnh đạo châu Phi có thêm tiếng nói trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại với phần còn lại của thế giới, đặc biệt với các đối tác kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc… trong bối cảnh gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.

Với các nước ngoài khu vực, AfCFTA sau khi có hiệu lực cũng sẽ có tầm ảnh hưởng và tác động lớn đến những quốc gia có nhiều trao đổi thương mại và nhập khẩu nguyên liệu thô từ châu Phi, như EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ… Các nước như Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Kenya… được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ AfCFTA nhờ cơ sở hạ tầng và ngành sản xuất phát triển. Trong khi đó, các nước kém phát triển sẽ gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai ban đầu do hạn chế về cơ sở hạ tầng, thương mại, đồng thời cũng sẽ đứng trước thách thức phải bảo hộ nền công nghiệp sản xuất, dịch vụ trong nước trước cạnh tranh từ các nền kinh tế lớn của khu vực.

Theo các nhà phân tích, với hiệp định này, châu Phi sẽ trở thành tâm điểm của năm 2019 khi “giấc mơ châu Phi” đang dần trở thành hiện thực. Các nước châu Phi hoàn toàn có thể tham gia vào “một sân chơi lớn”, khi mà thương mại song phương là vấn đề chiến lược của nhiều quốc gia trong tương lai. Động thái tăng cường hội nhập kinh tế này cũng diễn ra khi các khu vực khác trên toàn cầu đang thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và từng bước tiến tới mối liên kết thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn.

Thùy Dương