Phải thay đổi thói quen
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:27, 06/04/2019
Tuy nhiên, khi bàn về vấn đề đầu tư hạ tầng cung cấp nước sạch và việc sử dụng nguồn nước sạch tập trung tại khu vực ngoại thành nổi lên hai vấn đề. Đó là việc ở nhiều nơi đã có nguồn nước cấp, có đường dẫn vào tận ngõ, xóm nhưng tỷ lệ người dân dùng còn thấp, dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư. Ngược lại, ở nhiều địa bàn xa trung tâm đô thị thuộc một số huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn…, nhiều người có nhu cầu dùng nước sạch lại không được cung cấp.
Nguyên nhân của thực trạng này đã rõ. Đó là ở nơi sẵn sàng nguồn cấp thì một bộ phận người dân còn nghi ngại chất lượng nước hoặc vẫn giữ thói quen cũ là sử dụng nước ngầm tự khai thác để “tiết kiệm” và không phải trả chi phí.
Cùng với đó, việc kêu gọi xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng cung cấp nước sạch ở nông thôn còn nhiều bất cập nên doanh nghiệp chưa mặn mà… Với hai bài toán này, vấn đề xóa bỏ rào cản tâm lý, xây dựng lối sống mới trong cộng đồng thông qua việc sử dụng nguồn nước sạch có kiểm soát chất lượng được xem là nhân tố rất quan trọng.
Trong bối cảnh đó, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 1-3-2019 của UBND thành phố Hà Nội về “Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố trong năm 2019”.
Cụ thể là song song với phát triển nguồn cấp, mạng lưới cấp nước sạch, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích trong việc sử dụng nước sạch bảo đảm chất lượng là góp phần phòng, chống bệnh tật, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc tuyên truyền này cần làm thường xuyên, liên tục, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong đó, đảng viên, người có uy tín trong thôn, xóm cần thể hiện rõ vai trò tiên phong để mọi người thấy được lợi ích thiết thân của việc dùng nguồn nước sạch cấp tập trung đối với sức khỏe xét về cả yếu tố trước mắt và lâu dài.
Với các doanh nghiệp vận hành nhà máy nước, cần tạo điều kiện cho người dân đóng góp chi phí lắp đặt đồng hồ nước làm nhiều lần, chi phí lắp đặt khấu trừ vào tiền sử dụng nước, thay vì đóng một lần (chi phí khoảng 2,5-3,5 triệu đồng). Việc này vừa giảm áp lực kinh phí, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, sử dụng đồng hồ đo nước nói riêng cũng như chủ trương sử dụng nước sạch nói chung.
Về phía người dân, việc thay đổi một thói quen là không dễ nhưng cần thấy rằng, chủ trương cung cấp nguồn nước sạch tập trung đến từng gia đình của thành phố trước hết là nhằm bảo vệ sức khỏe giống nòi, chứ không phải nhằm mục đích kinh doanh là chính. Thông qua việc dùng nước sạch cũng là hành động góp phần xây dựng làng xóm, quê hương văn minh, sạch sẽ và mọi người dân có sức khỏe tốt, tránh xa bệnh tật.
…Thành phố Hà Nội đang khẩn trương tăng thêm công suất cấp nước sạch từ sông Đuống, sông Đà, đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước tại khu vực ngoại thành với mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước sạch.
Trên hết, mục tiêu này là vì chất lượng cuộc sống của người dân cũng như thế hệ tương lai của đất nước nên rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.