Cho chất lượng sống tốt hơn!
Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 06/04/2019
Trạm xử lý nước sạch xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quỳnh Dung |
Nhiều hộ dân chưa... mặn mà - Vì sao?
Mạng lưới nước sạch đã vươn rộng, "phủ sóng" nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội. Theo thống kê, hiện có 221 xã, thị trấn/416 xã, thị trấn có nước sạch. Đặc biệt, tại các huyện dọc Đại lộ Thăng Long như Thạch Thất, Quốc Oai... trước đây gặp khó khăn về nguồn nước sạch, đến nay nhiều hộ dân đã được thụ hưởng từ mạng cấp nước sạch sông Đà...
Tuy nhiên, thực tế lại có hiện tượng một bộ phận người dân nông thôn chưa mặn mà sử dụng nước sạch. Tại Quốc Oai, Quyền Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoàng Nguyên Ưng cho biết: Sau khi mạng lưới cấp nước sạch sông Đà đưa vào vận hành, huyện đã yêu cầu doanh nghiệp triển khai lắp đặt mạng cấp nước tại 16/21 xã, thị trấn, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho khoảng 82% số hộ dân nhưng tỷ lệ sử dụng nước sạch mới đạt 52%.
Còn tại Thạch Thất, 10 xã, thị trấn có làng nghề trên địa bàn đã được đầu tư mạng lưới cung cấp nước sạch. Niềm vui đã đến với hàng nghìn hộ dân trước đây thiếu nước sạch hoặc phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong sinh hoạt hằng ngày, thế nhưng huyện mới có... 11.500/20.000 hộ gia đình sử dụng nước sạch.
“Một số xã như Phùng Xá, Bình Phú, Thạch Xá, Chàng Sơn… do nguồn nước ngầm hạn chế nên hầu hết hộ dân đều dùng nước sạch. Còn tại các xã Hương Ngải, Cần Kiệm, thị trấn Liên Quan... nhiều hộ dân vẫn tận dụng nguồn nước hiện có là giếng khơi, giếng khoan, nên tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch mới đạt từ 30 đến 40%” - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất Phí Đình Phùng chia sẻ.
Nói về nguyên nhân chưa sử dụng nước sạch, bà Cấn Thị Hải (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) cho biết: “Cần Kiệm có vỉa đất đá ong nên nước giếng đào rất trong. Gia đình vẫn sử dụng nguồn nước này sinh hoạt nhiều năm nay và không có nhu cầu dùng nước sạch”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Rối, thôn Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) kể: “Gia đình tôi sử dụng 2 nguồn nước: Nước sạch của nhà máy cung cấp dành cho ăn, uống, tắm, giặt; các hoạt động khác dùng nước giếng khoan... Ở nông thôn, thu nhập hạn chế nên phải tiết kiệm. Nếu giá thấp hơn, chắc chắn chúng tôi sẽ sử dụng nước sạch nhiều hơn”...
Thực trạng trên không chỉ ở Thạch Thất, Quốc Oai mà diễn ra ở khá nhiều nơi khu vực ngoại thành Hà Nội. Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết: Nguyên nhân chính khiến nhiều hộ dân chưa mặn mà với nước sạch là họ phải trả tiền nước hằng tháng (giá nước sạch khu vực nông thôn theo quy định của UBND thành phố Hà Nội xấp xỉ 6.000 đồng/m3 (với 10m3 đầu tiên) và chi phí lắp đồng hồ đo nước ban đầu cao (khoảng 3 triệu đồng/đồng hồ) nên nhiều gia đình chưa đầu tư. Ngoài ra, còn do tập quán của người dân quen sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nước mưa...
"Khuyến khích" sử dụng nước sạch - Nhiều giải pháp
Trạm cấp nước sạch thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân nông thôn. Ảnh: Minh Phú |
Để "khuyến khích", nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc "Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố trong năm 2019".
Trong đó, thành phố đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các huyện, thị xã phải ban hành nghị quyết, phân công, chỉ đạo các xã, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe nhân dân và cộng đồng...
Đồng thời, UBND thành phố cũng giao Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất, báo cáo thành phố điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố, hỗ trợ các xã ở khu vực ngoại thành...
Thực hiện Chỉ thị nêu trên, đến nay, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch; thành lập các tổ công tác giải quyết vướng mắc liên quan tới nhà đầu tư và người dân trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch...
Chẳng hạn, tại huyện Quốc Oai, chính quyền địa phương đã giao chỉ tiêu cho các ban, ngành, đoàn thể của huyện và các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân dùng nước sạch và đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ vậy, tỷ lệ số hộ dân dùng nước sạch trên địa bàn huyện đã tăng từ 49% (cuối năm 2018) lên 52% hiện nay.
Tuy nhiên, để tăng số hộ sử dụng nước sạch từ mạng lưới cấp nước sạch sông Đà, Quyền Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoàng Nguyên Ưng kiến nghị các sở, ngành sớm tham mưu thành phố điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn.
Tương tự, để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, huyện Thạch Thất cũng đã phối hợp với doanh nghiệp đầu tư cung cấp nước sạch lấy mẫu nước để phân tích và công khai các chỉ số, tạo niềm tin, sự yên tâm cho người dân khi sử dụng. Đồng thời, huyện tổ chức các hội nghị truyền thông về nước sạch tại các xã có tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch thấp để giải đáp các ý kiến còn băn khoăn...
Một vấn đề khác, rất quan trọng, nằm ở chính nhận thức của người dân. "Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở, nhiều khó khăn trong việc cấp nước sạch ở nông thôn từng bước được hóa giải. Yêu cầu đặt ra là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch. Bản thân người dân cũng phải nhận thức đầy đủ lợi ích của việc này để nâng chất lượng cuộc sống" - ông Lê Văn Du nhấn mạnh.
Đến thời điểm này, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước trên địa bàn, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn và 23 dự án phát triển mạng. Như vậy, có thể thấy, trong tương lai không xa, nước sạch sẽ phủ khắp khu vực nông thôn Hà Nội, đến với từng hộ dân.
Cùng với sự quan tâm của thành phố, sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương trong việc nâng tỷ lệ hộ dân ngoại thành sử dụng nước sạch, mỗi người dân cũng cần thay đổi tập quán, thói quen để cải thiện hơn nữa điều kiện sinh hoạt, cho chất lượng cuộc sống tốt hơn!