Giai đoạn nhiều thách thức của NATO

Thế giới - Ngày đăng : 06:57, 06/04/2019

(HNM) - Sinh nhật lần thứ 70 của NATO bị phủ bóng bởi những rạn nứt giữa Mỹ và các thành viên còn lại quanh một loạt vấn đề...

NATO kỷ niệm 70 năm thành lập trong sự chia rẽ.


Sinh nhật lần thứ 70 của NATO bị phủ bóng bởi những rạn nứt giữa Mỹ và các thành viên còn lại quanh một loạt vấn đề, từ chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump đến chi tiêu quốc phòng và việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Chỉ vài giờ trước khi ngoại trưởng 29 nước thành viên gặp mặt, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu chỉ trích gay gắt hai đồng minh trong khối là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Mỹ, Đức phải làm nhiều hơn so với việc chỉ chi 1,5% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Ngoài ra, dự án cung cấp khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 mà Đức hợp tác với Nga cũng bị Washington cho rằng sẽ khiến Berlin phụ thuộc Mátxcơva. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với cơn thịnh nộ của “chú Sam” vì quyết tâm mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, vốn được coi là mối đe dọa đối với các máy bay Mỹ.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg có ý “phàn nàn” về chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống D.Trump khi cho rằng Washington hưởng lợi từ liên minh quân sự này cũng nhiều như các nước châu Âu. Ông nhắc lại việc các thành viên NATO đã giúp Mỹ ra sao sau khi xảy ra sự kiện khủng bố 11-9-2001, sát cánh chiến đấu cạnh Mỹ tại Afghanistan và tham gia liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều này giúp nước Mỹ trở nên mạnh hơn, an toàn và an ninh hơn.

Trên thực tế, những mâu thuẫn trong nội bộ NATO không có gì mới. Trước đây, nhiều tổng thống Mỹ cũng đã từng lên tiếng chê trách về đóng góp của các thành viên. Tuy nhiên, căng thẳng lần này xảy ra trong một bối cảnh khác. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ D.Trump tỏ rõ quan điểm “bài” các định chế đa phương, các thỏa thuận quốc tế và đề cao việc thực hiện nhiều chính sách ngoại giao dựa trên tinh thần “có qua, có lại”.

Nhận ra sự chênh lệch về tiềm lực quân sự, vị thế của các thành viên khiến khả năng chia sẻ trách nhiệm trong NATO không đồng đều, Tổng thống D.Trump từng nhiều lần nói rằng, các đồng minh NATO ở châu Âu đang dựa dẫm Mỹ. Ông cũng không ngần ngại gọi NATO là một tổ chức đã lỗi thời và đưa ra cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi liên minh quân sự này.

Ngoài ra, hình ảnh một NATO suy yếu cũng đang gây ra sự hoài nghi giữa các thành viên, đặc biệt khi nhiều nước tỏ ra không hài lòng về sự thể hiện của NATO tại một số cuộc xung đột. Với mục tiêu chống khủng bố, các chiến dịch quân sự của NATO ở Afghanistan và Libya hiện tỏ ra không mấy hiệu quả dù rất "hao tiền, tốn của".

Thời gian gần đây, Pháp và Đức cũng thường xuyên bày tỏ mối quan ngại về việc tăng cường vai trò của liên minh quân sự lớn nhất thế giới trong các chiến dịch triển khai quân tốn kém do Mỹ dẫn đầu, gây ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia Arab hoặc làm gia tăng nguy cơ đối đầu với Nga ở Syria.

Các thách thức mà NATO phải đối mặt đang vượt xa những cuộc khủng hoảng truyền thống trong quá khứ. Liên minh này đang bị tê liệt bởi sự bối rối trong chính sách an ninh chung và không đạt được thống nhất trên nhiều lĩnh vực.

Giới phân tích cho rằng, thành công hay thất bại của NATO thời gian tới được đánh giá theo khả năng ứng phó với ba trở ngại lớn: Sáng tạo và đổi mới mối quan hệ với nước Mỹ thời Tổng thống D.Trump; tái lập quan hệ cân bằng với Nga bằng cách thuyết phục và răn đe nhưng không đi tới mức lại rơi vào tình trạng Chiến tranh Lạnh; xác định được vị trí trong thời kỳ mới.

Quỳnh Dương