Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên đường tham dự IPU-140
Đối ngoại - Ngày đăng : 11:10, 06/04/2019
Trước đó từ ngày 3 đến 6-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-140) và các hội nghị liên quan tại Doha, Qatar theo lời mời của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron và Chủ tịch Nghị viện Qatar Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại sân bay Melsbroek, thủ đô Brussels, Bỉ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Liên minh Nghị viện thế giới (Inter Parliamentary Union - IPU) là một tổ chức quốc tế tập hợp đại diện của Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Liên minh được thành lập năm 1889 tại Paris (Pháp), theo sáng kiến của hai nghị sĩ yêu chuộng hòa bình là William Cremer (người Anh) và Fréderic Passy (người Pháp).
Với 178 nghị viện thành viên và 12 thành viên liên kết, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, hợp tác giữa các nước và Nghị viện các nước.
IPU bao gồm các Đoàn đại biểu quốc gia đại diện cho các Nghị viện hoặc Quốc hội tương ứng. Đoàn đại biểu quốc gia có nghĩa vụ thông báo cho Nghị viện và Chính phủ nước mình về những nghị quyết mà IPU thông qua; thúc đẩy việc thực hiện nghị quyết; thông báo cho Ban Thư ký của IPU.
Hiện nay, trụ sở chính của IPU được đặt tại Geneva (Thụy Sĩ). Chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2017-2020 là bà Gabriela Cuevas Barron - Thượng nghị sĩ của Mexico. Tổng Thư ký IPU trong nhiệm kỳ 2018-2022 là ông Martin Chungoong (người Cameroon).
Mục tiêu chính của IPU gồm thúc đẩy giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện và nghị sĩ các nước; tham vấn, thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc tế nhằm đề xuất hành động cho các nghị viện và nghị sĩ. IPU tích cực đóng góp vào việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới, yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển, nâng cao nhận thức, tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại nghị.
Việt Nam là thành viên chính thức của IPU vào tháng 4-1979. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại IPU, có đóng góp thực chất cho Đại hội đồng. Những đóng góp này có tác động lan tỏa, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá cao. Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập và tăng cường.
Tháng 4-2015, Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Đình Thao, tại Đại hội đồng lần này, Đoàn Việt Nam dự kiến có nhiều sáng kiến đóng góp cho việc nâng cao vai trò của nghị viện với vai trò là “nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền” như chủ đề của Phiên họp toàn thể đã đề ra.