Những thói quen không tốt của phái đẹp khi sử dụng xe tay ga
Xe++ - Ngày đăng : 11:13, 07/04/2019
Nhiều người khi sử dụng xe máy có suy nghĩ, nếu không đâm đụng, chỉ chạy ''bình thường'' thì chiếc xe sẽ rất khó hư hỏng. Nhưng nếu cứ tiếp tục sử dụng xe với những thói quen xấu dưới đây thì tuổi thọ và độ bền của xe sẽ giảm đáng kể. Đây là những thói quen mà phái đẹp thường hay mắc phải.
Khởi động xe trước khi đèn FI tắt
Xe tay ga hiện nay hầu hết đều được trang bị hệ thống phun xăng điện tử (FI). Khi bật chìa khóa, đèn FI với biểu tượng động cơ sẽ sáng lên trong vài giây, trong thời gian này hệ thống phun xăng điện tử sẽ kiểm tra các cảm biến, đồng thời nạp sẵn nhiên liệu vào kim phun.
Nếu người lái khởi động xe khi đèn báo FI còn sáng thì về lâu dài sẽ gây hư hỏng cho hệ thống kim phun và các cảm biến.
Cách tốt nhất là sau khi vặn chìa khóa, người lái nên đợi đèn FI tắt và tiếng động nhỏ báo hiệu hệ thống phun xăng điện tử đang khởi động tắt hẳn, thì mới bấm nút đề nổ máy. Thời gian chờ đợi là khoảng 3 giây.
Nếu người lái khởi động xe khi đèn báo FI còn sáng thì về lâu dài sẽ gây hư hỏng cho hệ thống kim phun và các cảm biến. |
Chạy xe ngay sau khi đề máy
Xe máy sau khi để qua đêm, nhớt sẽ đọng lại dưới đáy động cơ nên cần phải ''làm ấm'' máy trước khi chạy để giúp nhớt được bơm đến các chi tiết máy giúp cho động cơ được bảo vệ tốt hơn.
Vào buổi sáng, đa số chị em vội vàng đi học hoặc đi làm, nên không quan tâm đến vấn đề ''làm ấm'' động cơ trước khi sử dụng, mà ngay lập tức phóng xe sau khi đề nổ. Việc này về lâu dài cũng làm giảm độ bền của động cơ.
Việc ''làm ấm'' động cơ vô cùng đơn giản, nổ máy xe và đợi khoảng 1 phút cho nhớt được bơm đều khắp động cơ rồi hãy khởi hành.
Vừa tăng ga vừa rà phanh
Thói quen ''vô thức'' này không chỉ phổ biến ở phái đẹp mà cánh mày râu cũng nhiều người mắc phải. Hành động này không khó để bắt gặp trên đường phố, khi nhìn từ phía sau luôn thấy đèn phanh sáng ở nhiều trường hợp, trong khi chiếc xe vẫn lao nhanh về phía trước.
Việc vừa tăng ga vừa rà phanh sẽ làm cho xe gặp các vấn đề như mòn bố, tốn xăng, động cơ bị hoạt động quá tải,… Trong những trường hợp khẩn cấp, thay vì nhả ga và bóp phanh thì người điều khiển vô tình bóp phanh nhưng vẫn giữ ga khiến xe lao về phía trước gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Không sử dụng kết hợp cả 2 phanh
Nhiều chị em có thói quen chỉ sử dụng phanh bên tay thuận, thông thường sẽ là tay phải. Việc chỉ sử dụng phanh trước với người chưa có kinh nghiệm sẽ tiềm ẩn nguy hiểm vì dễ gây trượt bánh trước dẫn đến ngã xe. Đặc biệt, khi giật mình, nhiều chị em thường bóp chặt phanh bên phải, khiến xe mất lái, trượt dài và tai nạn có thể xảy ra.
Để khắc phục tình trạng này, phái đẹp nên tập sử dụng cả 2 phanh cùng lúc và tăng dần lực phanh, tránh việc phanh gấp bằng phanh trước khi chưa có kinh nghiệm xử lý.
Đối với một số mẫu xe có công nghệ phanh kết hợp (CBS - bóp phanh bên trái sẽ phanh cùng lúc cả bánh trước và bánh sau), chỉ cần sử dụng phanh bên trái là đủ. Đối với các mẫu xe có trang bị phanh ABS (chống bó cứng phanh), việc bóp phanh khi gặp bất ngờ với phái đẹp trở nên an toàn hơn nhiều.
Không kiểm tra và thay thế nhớt hộp số định kỳ
Đây là lỗi mà nhiều chị em gặp phải, khi nghĩ rằng việc thay nhớt chỉ là thay nhớt động cơ.
Đối với xe tay ga, ngoài nhớt dành cho động cơ thì bộ truyền động cũng cần được bôi trơn bằng nhớt hộp số (nhớt láp). |
Đối với xe tay ga, ngoài nhớt dành cho động cơ thì bộ truyền động cũng cần được bôi trơn bằng nhớt hộp số (nhớt láp). Vai trò của nhớt láp vô cùng quan trọng trong việc giúp cho xe vận hành êm ái và an toàn hơn. Nếu nhớt hộp số cạn sẽ khiến bộ phận này bị hư hại do ma sát. Đặc biệt, ở những thành phố lớn thường xuyên bị ngập như TP Hồ Chí Minh thì người dùng nên kiểm tra nhớt láp thường xuyên hơn.
Nhớt láp nên được kiểm tra và thay thế sau mỗi 5.000km. Phái đẹp nên thay nhớt hộp số sau 3-4 lần thay nhớt động cơ.