Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân đi bộ 10.000 bước mỗi ngày để thay đổi cuộc sống

Xã hội - Ngày đăng : 14:19, 07/04/2019

(HNMO) - Sáng 7-4, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng chương trình Ngày Sức khỏe thế giới năm 2019...

Các đại biểu tham dự chương trình đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.


Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện các bộ, ban, ngành và hơn 5.000 đoàn viên, thanh niên và lực lượng y, bác sĩ trẻ.

Ngày Sức khỏe thế giới năm 2019 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động, với chủ đề “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, hướng tới mục tiêu tất cả người dân và cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, hiệu quả. Tại Việt Nam, chương trình Ngày Sức khỏe thế giới năm 2019 được tổ chức nhằm hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó tập trung vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, huy động sự chủ động tham gia của mỗi người dân, vận động nguồn lực xã hội, triển khai sâu rộng, đồng bộ các hoạt động nâng cao sức khỏe người dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu... đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mạn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này là những “sát thủ” hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hằng năm.

Các đại biểu tham gia bài tập thể dục 3 phút.


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người Việt Nam, như: Hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau, trái cây, ăn nhiều muối… Chính vì vậy, tình trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu… có xu hướng gia tăng nhanh.

Trong khi đó, năng lực của mạng lưới y tế tuyến cơ sở còn hạn chế, chưa quản lý được các bệnh mạn tính. Thêm vào đó, đại bộ phận người dân chưa có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và lười rèn luyện thể chất.

Thậm chí, có đến 77% người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh, hơn 70% người dân không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, chỉ có hơn 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18 tuổi đến 69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán; 70% người bệnh ung thư đến khám bệnh và chẩn đoán ở những giai đoạn muộn nên khả năng chữa trị hạn chế… Do đó, Bộ Y tế mong muốn mỗi người dân cùng chung tay thực hiện tập thể dục giữa giờ, đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày để thay đổi cuộc sống, có chế độ sinh hoạt lành mạnh: Không hút thuốc lá, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế ăn mặn, tầm soát sớm bệnh ung thư…

Tuyên dương 10 bác sĩ trẻ tiêu biểu.


Tại lễ phát động, 10 bác sĩ trẻ có nhiều đóng góp trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được tuyên dương. Ngoài ra, các đại biểu cùng hơn 5.000 đoàn viên, thanh niên và lực lượng y, bác sĩ trẻ đã tham gia đồng diễn dân vũ, tập thể dục 3 phút giữa giờ và đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Các bệnh viện: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi trung ương, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết trung ương tổ chức khám, phát hiện các bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung bằng các trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay cho người dân.

Bên cạnh đó, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cùng các tình nguyện viên cũng tổ chức vận động hiến máu, góp phần bảo đảm cung cấp kịp thời máu và các chế phẩm máu an toàn cho cấp cứu và điều trị.

Gia Phong