Cao nguyên Golan - Vùng đất chiến lược

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:22, 07/04/2019

(HNM) - Tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25-3, trong đó công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan một lần nữa làm dấy lên tranh chấp lịch sử trong suốt hơn nửa thế kỷ tại mảnh đất mang ý nghĩa địa chính trị quan trọng bậc nhất tại Trung Đông.


Cao nguyên Golan là một vùng chiến lược rộng khoảng 1.800km2, nằm giữa Syria, Israel, Jordan và Lebanon. Với địa thế cao xấp xỉ 2.000m và tương đối bằng phẳng, cao nguyên này chỉ cách thủ đô Damascus của Syria chưa đầy 60km, lại có tầm nhìn phủ trọn phần lớn phía Nam Syria, phía Bắc Israel và phía Nam Lebanon. Dải đất này cũng nổi tiếng với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên cực lớn, gồm hàng tỷ mét khối dầu mỏ và khí đốt, đất đai màu mỡ và đáng giá nhất là nguồn nước ngọt.

Với vị trí đặc biệt như vậy, cao nguyên Golan trở thành điểm nóng xung đột giữa Israel với quốc gia láng giềng Syria trong suốt hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, đây là vùng lãnh thổ của Syria từ năm 1944 khi quốc gia này được công nhận là nước cộng hòa độc lập. Trong cuộc chiến tranh Israel - Arab năm 1948, Syria từng dùng cao nguyên Golan để triển khai hệ thống pháo và nã đạn xới tung nhiều khu vực ở miền Bắc Israel. Đến năm 1967, Tel Aviv đã dùng vũ lực chiếm được vùng đất chiến lược này trong cuộc chiến tranh 6 ngày với các quốc gia Arab ở Trung Đông...

Trước tình hình đó, năm 1967, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn và ra Nghị quyết 242 với nội dung “đổi đất lấy hòa bình”, kêu gọi Israel lập tức trao trả các vùng lãnh thổ chiếm đóng để đổi lấy sự công nhận đầy đủ từ các nước Arab, từng bước kiến tạo một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Trung Đông. Tuy nhiên, bất đồng về việc bên nào sẽ hành động trước khiến việc tuân thủ nghị quyết này bị trì hoãn. Đến năm 1973, Ai Cập và Syria một lần nữa tấn công Israel trong cuộc chiến Yom Kippur với quyết tâm giành lại các vùng lãnh thổ bị mất, song liên minh Arab đã không đạt được mục đích đề ra.

Năm 1981, Israel bất ngờ ra quyết định sáp nhập toàn bộ các khu vực chiếm đóng vào lãnh thổ và mở các khu định cư cho người Do Thái. Ngay sau động thái này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 497 với sự nhất trí của toàn bộ 15 nước thành viên, nêu rõ quyết định của Israel áp đặt luật pháp, quyền tài phán và quyền quản lý của nước này với cao nguyên Golan là vô nghĩa, không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực quốc tế. Các cuộc thương lượng nhằm trao trả vùng đất này đã diễn ra trong hàng thập kỷ, song chưa có tiến triển đáng chú ý nào được ghi nhận.

Ước tính vùng lãnh thổ do Israel chiếm đóng này hiện là nơi sinh sống của khoảng 25.000 người Druze nói tiếng Arab nhận quốc tịch Syria và khoảng 20.000 người định cư Do Thái Israel.

Ngoài Mỹ, hiện không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan. Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng đang vấp phải sự chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế với lo ngại điều này sẽ trở thành tiền lệ xấu cho các tranh chấp lãnh thổ và xung đột khác.

Ngọc Mai